Ngày 21/11, trên website chính thức của mình, Tổ chức Cấm vũ khí hóa học (OPCW) đã mời gọi các công ty tư nhân hoạt động trong lĩnh vực xử lý hóa chất "quan tâm” tới chương trình giải trừ vũ khí hóa học của Syria tham gia giúp đỡ.

vu-khi-hoa-hoc-syria-1.jpg
Việc tiêu hủy kho vũ khí hóa học dự trữ của Syria đang gặp nhiều khó khăn (Ảnh: BBC)

Theo lộ trình của thỏa thuận giữa Nga và Mỹ đạt được ngày 14/9, toàn bộ công tác tiêu hủy kho vũ khí hóa học dự trữ của Syria sẽ kết thúc vào giữa năm 2014. 
Washington và một số đồng minh đã cáo buộc Chính phủ của ông Assad phải chịu trách nhiệm về cuộc tấn công có sử dụng vũ khí hóa học ở khu vực ngoại ô Damascus ngày 21/8 làm khoảng 1.400 người thiệt mạng. Tuy nhiên, chính quyền Damascus đã bác bỏ cáo buộc trên và cho rằng đây là vở kịch của phe đối lập để mở đường cho Mỹ và phương Tây can thiệp quân sự vào Syria.

Thỏa thuận Nga - Mỹ đặt kho vũ khí hóa học Syria dưới sự kiểm soát của quốc tế được cho là bước ngoặt quan trọng khi nguy cơ Mỹ và phương Tây can thiệp quân sự vào nước này đã cận kề.

Mặc dù vậy, việc thực hiện thỏa thuận này đang vấp phải nhiều khó khăn khi không một quốc gia nào đồng ý đưa vũ khí hóa học của Syria vào lãnh thổ của mình để tiêu hủy. 

OPCW cho biết, họ cần sự giúp đỡ của các công ty tư nhân để tiêu hủy 2/3 số vũ khí hóa học của Syria. Tổ chức này cho hay, có 798 tấn hóa chất và 7,7 triệu lít dung dịch chất thải hóa học cần phải xử lý.

Ngày 15/11, Hội đồng điều hành OPCW đã thông qua 1 lộ trình cuối cùng cho hoạt động tiêu hủy kho vũ khí hóa học dự trữ của Syria. Theo đó, các loại vũ khí hóa học sẽ được đưa ra khỏi lãnh thổ Syria và phá hủy một cách “an toàn trong thời gian sớm nhất”.

Tuy nhiên, cho đến nay, vẫn chưa có 1 quốc gia nào tình nguyện cho phép OPCW đưa vũ khí hóa học của Syria đến nước họ để tiêu hủy.

Ngày 18/11, Bỉ đã từ chối nhận trách nhiệm tiêu hủy vũ khí hóa học của Syria trên lãnh thổ mình, Albania, Na Uy những quốc gia trước đó được kỳ vọng sẽ cung cấp địa điểm cho việc tiêu hủy cũng đã từ chối đề xuất trên. 
Ngày 19/11, Pháp - quốc gia từng “sốt sắng” nhất trong việc can thiệp quân sự vào Syria đã thông báo cử chuyên gia tới Syria nhưng khẳng định không nhận trách nhiệm tiêu hủy các loại vũ  khí hóa học./.