Ngày 21/8 bất ngờ xảy ra vụ tấn công bằng khí độc gần thủ đô Syria làm nhiều người chết. Chính phủ Syria và lực lượng đối lập đổ lỗi cho nhau về vụ tấn công diễn ra vào thời điểm nhạy cảm (khi đoàn thanh sát của Liên Hợp Quốc có mặt ở Syria) và tại vị trí nhạy cảm (gần thủ đô Damascus và nơi trú ngụ của đoàn thanh sát Liên Hợp Quốc).

1%20thanh%20sat%20vu%20khi%20hoa%20hoc%20syria.jpg
Kiểm tra hiện trường vụ tấn công hóa học ở Ghouta gần Damascus (ảnh: EPA)

Với sự tư vấn của người Nga, Syria đã hợp tác tích cực với cộng đồng quốc tế để tránh đòn quân sự có tính áp đặt từ Mỹ và đồng minh.

Lịch trình gấp gáp

Trong khi đó Mỹ liên tục “thúc” (kết hợp dọa nạt) Syria phải tiêu hủy thật nhanh kho vũ khí hóa học của nước này dưới sự giám sát của Tổ chức Cấm phổ biến Vũ khí hóa học (OPCW). Theo đó, những loại có “công lực” mạnh phải được đưa ra khỏi Syria trước. Lịch trình phá hủy rất chặt và gấp. Cụ thể, tháng 11/2013 phải phá dỡ cơ bản các cơ sở sản xuất vũ khí hóa học tại Syria (việc này đơn giản nhất - các cơ sở thường tập trung tại 1 số khu vực). Đến tháng 12/2013 thì Syria phải đưa hết các chất hóa học nguy hiểm nhất ra nước ngoài. Đầu tháng 2/2014, toàn bộ vũ khí hóa học của Syria phải có mặt ở nước thứ 3. Đến hết tháng 6/2014, toàn bộ số vũ khí này phải được tiêu hủy xong.

Phải chăng do muốn sớm tước vũ khí tự vệ đáng gờm nhất của Syria mà Mỹ áp dụng lịch trình gấp gáp như vậy? Hay do họ lo sợ vũ khí hóa học rơi vào tay al-Qaeda có mặt trong hàng ngũ phe đối lập?

Dù Syria tích cực hợp tác (đến tháng 11 họ được OPCW xác nhận đã phá hủy xong các cơ cở sản xuất vũ khí hóa học) nhưng công việc dỡ bỏ và tiêu hủy tới 1.300 tấn vũ khí hóa học (bao gồm khí độc sarin, khí mù tạt, và các loại tác nhân độc hại khác) và tiền chất để chế vũ khí hóa học nằm rải rác trong đất nước Syria không hề đơn giản chút nào và đang đặt ra nhiều vấn đề gây đau đầu cho các nước liên quan, đặc biệt là Mỹ.

Vị trí Syria (phải, dưới) và Albania (gần tận cùng bên trái, trên) trên bản đồ thế giới (ảnh: Google Map)

Bản thân nước Mỹ và Nga đất rộng, trình độ khoa học kỹ thuật cao nhưng cho đến nay cả 2 quốc gia này vẫn chưa tiêu hủy xong kho vũ khí hóa học của chính mình (theo lộ trình, Mỹ phải đến năm 2023 mới hoàn tất công tác này).

Albania thì đã xóa sổ kho vũ khí hóa học của mình vào năm 2007, nhưng sau đó vẫn phải xử lý thêm các chất thải hóa học phát sinh từ việc tiêu hủy. Libya đến năm 2011 cũng chưa tiêu hủy hết hoàn toàn kho vũ khí hóa học của mình dù đã tuyên bố từ bỏ thứ vũ khí này vào năm 2004.

Thời bình công tác tiêu hủy vũ khí hóa học đã khó và tốn kém, trong bối cảnh chiến tranh thì lại càng khó khăn và nguy hiểm hơn rất nhiều lần, nhất là khi được thực hiện tại chỗ.

Chính OPCW cũng thừa nhận: Syria với cơ sở hạ tầng hiện tại và tình trạng chiến tranh của mình hoàn toàn không đáp ứng được việc đó một cách hiệu quả, nhanh chóng và an toàn, và chỉ có đưa vũ khí Syria ra nước ngoài tiêu hủy mới là khả thi.

Ngay cả khi đó, việc tập kết vũ khí hóa học trong toàn lãnh thổ Syria về một số hải cảng rồi đưa lên tàu vận chuyển qua đường biển sang nước khác cũng mang 1 viễn cảnh đầy rủi ro. Các đoàn xe vận chuyển dễ dàng trở thành mục tiêu tấn công của khủng bố hoặc mục tiêu của trộm cắp. Nếu số vũ khí này rơi vào tay khủng bố thì hậu quả thật khôn lường.

Đã vậy lực lượng đối lập không phải lúc nào cũng đủ thông tin để xác định 1 đoàn xe của chính phủ có chất độc hóa học hay không – khi ấy họ chỉ cần bắn rocket hoặc pháo hạng nhẹ vào (với mục đích phá hoại đơn thuần) thì cũng đủ gây thảm họa về môi trường và sức khỏe.

Nữ chuyên gia vũ khí hủy diệt hàng loạt Esfandiary của Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế tại London cho rằng công việc tiêu hủy trong điều kiện nội chiến như thế này là chưa từng có tiền lệ và khó gấp “triệu lần” so với trong thời bình.

“Tình nguyện viên”

Nhưng dù sao có 1 nước bên ngoài nhận vũ khí hóa học đến để tiêu hủy cũng đỡ hơn rất nhiều so với phải tiến hành ngay tại Syria dưới mưa bom bão đạn và trước các âm mưu phục kích. Và Albania đã được Mỹ trực tiếp đề nghị làm nơi tập kết số vũ khí hóa học các loại của Syria để tiêu hủy ở đó.

Một câu hỏi đặt ra là vì sao Mỹ lại chọn Albania?

Thủ tướng Albania Rama lên truyền hình hôm 15/11 bác bỏ đề nghị của Mỹ (ảnh: AFP)

Quốc gia Balkan này có vị trí địa lý ven biển (ven Địa Trung Hải), cách không xa khu vực Syria. Tuy từng thuộc khối XHCN Đông Âu nhưng nay Albania lại là thành viên NATO và là “đệ tử” trung thành của Mỹ, hết sức mang ơn Mỹ sau vụ Mỹ cùng NATO tiến hành oanh kích Nam Tư vào năm 1999 và hỗ trợ cho cộng đồng người thiểu số Albania ở Kosovo.

Bên cạnh đó, Albania có thái độ tích cực cũng như kinh nghiệm trong việc phá bỏ kho vũ khí hóa học của chính mình. Nước này từng tuyên bố sở hữu vũ khí hóa học và chấp nhận phá bỏ vũ khí hóa học vào năm 2007.

Ngoài ra, nước này quy mô dân số nhỏ (khoảng 3 triệu dân), kinh tế tuy đang phát triển khá (sau khi Liên Xô và khối Đông Âu XHCN tan rã) nhưng vẫn ở mức độ thấp, còn môi trường thì đang bị ô nhiễm nặng sẵn! Liệu chăng đây là những lý do nữa để Mỹ nghĩ sẽ dễ thuyết phục Albania tình nguyện làm “bãi rác”?

Nhìn chung giới lãnh đạo Albania ban đầu nghe chừng “xuôi xuôi” trước đề nghị của Mỹ. Nhưng phe đối lập không đồng ý. Rồi hàng ngàn người biểu tình trước trụ sở Quốc hội và văn phòng Thủ tướng, phản đối gay gắt ý tưởng “nhập” chất độc của Syria và cho rằng Albania không có trách nhiệm phải tuân theo ai dù là Mỹ hay NATO.

Sau đó đại diện cao cấp của Quốc hội Albania đã có ý kiến không sẵn sàng. Tiếp đó Thủ tướng Albania là Rama hôm 15/11 lên tiếng chính thức khẳng định từ chối đề nghị của Mỹ. Ông Rama đại ý nói rằng nước ông không đủ năng lực, phương tiện và cơ sở hạ tầng cho việc này và rằng bản thân kho vũ khí hóa học của nước ông còn lo chưa xong.

Theo nguồn tin AP, Albania từng gặp những sự cố nghiêm trọng tại các khu vực xử lý bom đạn thông thường của chính nước này. Chẳng hạn đã có vụ tàn thuốc lá làm nổ tung một nhà máy xử lý đạn pháo cũ, khiến nhiều người chết và bị thương.

Thủ tướng Albania còn nhận xét, nhiều nước lẩn tránh trách nhiệm mà đáng lẽ phải được nhiều bên cùng gánh vác.

Thời điểm Albania chính thức từ chối “đăng cai” xử lý vũ khí hóa học cũng là hạn chót (15/11) cho 1 kế hoạch chi tiết giữa OPCW và Syria về việc tiêu hủy kho vũ khí hóa học của Syria.

Thực ra chẳng có nước nào thích “đưa đống của nợ” này về nhà mình. Hồi trước tại châu Âu cũng đã nổ ra các cuộc biểu tình của dân địa phương phản đối việc vận chuyển rác thải hạt nhân qua khu vực họ sinh sống hoặc tệ hơn, chôn rác thải hạt nhân tại đó.

Dân Albania biểu tình phản đối việc vận chuyển vũ khí hóa học từ Syria sang Albania (ảnh: AFP)

Có lẽ lãnh đạo Albania cũng ít nhiều có tâm lý đó, nhưng nhân dịp dân chúng biểu tình rầm rộ thì mới đưa ra tiếng nói chính thức.

Truyền thông phương Tây ghi nhận đây là cú sốc lớn đối với Mỹ và các đồng minh muốn trừ bỏ kho vũ khí hóa học của Syria.

Theo nguồn tin Voice of Russia, Na Uy cũng đã loại trừ khả năng phá hủy vũ khí hóa học trên lãnh thổ của họ.

Trước động thái của Albania, Mỹ bề ngoài bình tĩnh nói tôn trọng quyết định của quốc gia Balkan này và cho rằng điều đó không gây ảnh hưởng quan hệ song phương, nhưng trong lòng có lẽ cũng đang rối bời đi tìm nước khác thay thế.

OPCW thì nói Mỹ đã có sẵn một số phương án dự phòng và bày tỏ lạc quan công tác tiêu hủy sẽ tiến hành được, không những thế còn đúng tiến độ mà họ đã đề ra. 

Đã có những đề cập đến Pháp và Bỉ như là điểm đến cho kho vũ khí hóa học của Syria.

Hai nước này có trình độ cao về khoa học công nghệ, lại gần biển, thuận tiện cho việc vận chuyển. Pháp có tiềm lực quân sự thuộc hàng mạnh nhất Tây Âu (mà dân chúng lại mải quan tâm đến kinh tế và trật tự xã hội) trong khi Bỉ lại là nơi đóng đại bản doanh của khối quân sự NATO.

Tuy nhiên, từ hôm 15/11 đến nay vẫn chưa thấy có động tĩnh cụ thể nào về nước sẽ thế chỗ Albania./.