Đất nước Libya đang đứng trước một thời khắc lịch sử trọng đại khi Chính phủ đoàn kết dân tộc trở về thủ đô Tripoli để đặt các trụ sở hành chính, bất chấp sự phản đối từ Chính phủ đối lập tại đây. Trái ngược với quan điểm của Chính phủ đối lập Tripoli, vốn không được quốc tế công nhận, người dân Libya nơi đây lại hân hoan đón chào sự trở lại quan trọng này với nhiều hy vọng.
Tối 31/3, chính quyền 10 thành phố duyên hải phía Tây Libya - vốn chịu sự kiểm soát của Chính phủ không được quốc tế công nhận ở Tripoli - đã bất ngờ lên tiếng ủng hộ Chính phủ đoàn kết dân tộc tại Libya, được thành lập dưới sự bảo trợ của Liên Hợp Quốc.
Tuyên bố được đưa ra sau một ngày khi Thủ tướng Fayez al-Saraj cùng 6 quan chức cấp cao Chính phủ đoàn kết dân tộc trở về Tripoli. Sự việc là cú sốc lớn đối với chính quyền đối lập tại Tripoli, tuy nhiên với người dân, đây sẽ là tia hy vọng cho sự hòa bình và ổn định lâu bền tại quốc gia Bắc Phi này.
Trước đó cùng ngày, đại diện và người đứng đầu chính quyền của 10 thành phố duyên hải phía Tây đã tổ chức họp bàn tại thành phố Sabratha để nhất trí việc ủng hộ đối với Chính phủ đoàn kết dân tộc Libya trở về Tripoli. Họ cũng kêu gọi Chính phủ đối lập tại Tripoli mau chóng chuyển giao quyền lực, chấm dứt các cuộc xung đột vũ trang, nhằm ổn định và bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ quốc gia.
Tại Quảng trường Martyrs, hàng trăm người dân Tripoli đã xuống đường biểu tình một cách hòa bình để bày tỏ sự ủng hộ đối với Chính phủ đoàn kết dân tộc Libya. Đây được xem là động thái tích cực đầu tiên của người dân thủ đô khi Chính phủ đoàn kết dân tộc trở về.
Về phần mình, chính phủ đoàn kết dân tộc Libya cũng đang gấp rút thiết lập trụ sở làm việc của mình tại Tripoli để sớm bắt đầu công việc.
Người đứng đầu cơ quan an ninh của Hội đồng Tổng thống, tướng Abdulrahman al-Taweel cho biết: “Hội đồng đến đây để ở lại và tiếp tục công việc của mình. Họ sẽ không rời đi đâu, trừ khi họ phải tham dự các cuộc họp quốc tế và dĩ nhiên họ sẽ quay trở lại. Bởi công việc và trụ sở chính của họ là tại đây, Tripoli. Chúng tôi đang gấp rút làm việc để chuẩn bị trụ sở cho các quan chức chính phủ sớm có thể bắt đầu công việc của mình”.
Tháng 12/2015, các phe phái đối địch tại Libya đã đạt một thỏa thuận chia sẻ quyền lực do Liên Hợp Quốc làm trung gian, đồng thời chỉ định ông Fayez al-Sarraj làm Thủ tướng Chính phủ đoàn kết dân tộc Libya. Với sự kiện trở lại Tripoli, Thủ tướng Sarraj cũng cho biết, Chính phủ đoàn kết dân tộc Libya đã có những kế hoạch cụ thể nhằm giảm thiểu đau khổ cho người dân trong thời gian tới.
Ông Sarraj nói: “Chúng tôi đang bắt đầu thực hiện một số bước đi cần thiết để thống nhất các cơ quan nhà nước, đặc biệt là Ngân hàng trung ương và các tập đoàn dầu khí quốc gia. Chúng tôi cũng đã vạch ra các kế hoạch tài chính và kinh tế nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng hiện tại của Libya cũng như giảm bớt sự đau khổ cho người dân”.
Sự trở về thủ đô Tripoli với sự ủng hộ từ người dân địa phương sẽ giúp Chính phủ đoàn kết dân tộc Libya có thêm động lực để lãnh đạo, ổn định và tái thiết đất nước trong thời gian tới.
Tuy nhiên, theo giới phân tích nhận định, con đường này sẽ vẫn còn nhiều chông gai khi mà Chính phủ đối lập tại Tripoli vẫn chưa chấp thuận sự trở lại này. Đồng thời cuộc chiến chống khủng bố đầy khó khăn vẫn đang đợi Chính phủ đoàn kết dân tộc Libya ở phía trước, trong bối cảnh tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS tại Iraq và Syria đang mở rộng ảnh hưởng tới quốc gia này./.