Thủ tướng Sarraj khẳng định, Chính phủ đoàn kết Libya sẽ nỗ lực làm việc nhằm hướng tới thành lập một lệnh ngừng bắn trên toàn quốc và đương đầu với các mối đe dọa từ nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS).
Phát biểu trong cuộc họp báo tại Tripoli ngày 30/3 sau khi cùng 7 thành viên Nội các từ Tunisia về Libya an toàn bằng đường biển, ông Sarraj cam kết sẽ thống nhất các phe phái đối địch tại Libya, đồng thời chấm dứt cuộc xung đột kéo dài vốn đang tàn phá đất nước này.
“Chúng tôi sẽ làm việc hết mình để tạo ra một nhà nước có thể chế và pháp luật, với sự tham gia của tất cả người dân Libya, chúng tôi sẽ nỗ lực làm việc vì một lệnh ngừng bắn và chấm dứt sự đổ máu trên khắp đất nước Libya. Chúng tôi cũng sẽ thống nhất tất cả những nỗ lực củangười dân Libya, đương đầu với những mối hiểm họa từ tổ chức Nhà nước Hồi giáo”, ông Sarraj nói.
Thủ tướng Sarraj nhận định, việc đến Tripoli là một “khoảnh khắc lịch sử", đồng thời nhấn mạnh thêm rằng Chính phủ của ông đang bắt đầu công việc đầy khó khăn là tái thiết đất nước bị chiến tranh tàn phá.
Tuy nhiên, Lực lượng Hồi giáo đang chiếm đóng thủ đô Tripoli đã tìm cách ngăn cản Thủ tướng Sarraj và Chính phủ đoàn kết về Tripoli bằng cách đóng cửa hàng không nhiều lần, thậm chí ban bố "tình trạng khẩn cấp tối đa". Ngay cả Chính phủ được quốc tế công nhận của Libya cũng không hoan nghênh Chính phủ đoàn kết của ông Sarraj.
Từ giữa 2014, tại Libya tồn tại hai Chính phủ và Hai quốc hội đối địch. Chính phủ do Quốc hội được quốc tế công nhận bầu ra đã buộc phải chuyển tới Tobruk ở miền Đông sau khi lực lượng Hồi giáo Bình minh Libya chiếm thủ đô Tripoli và lập Chính phủ mới với sự ủng hộ của cơ quan lập pháp đã mãn nhiệm.
Một Chính phủ đoàn kết dân tộc được thành lập dưới sự bảo trợ của Liên Hợp Quốc trên cơ sở thỏa thuận chia sẻ quyền lực đã được hai bên đối địch chính trị ký kết tại Maroc hồi tháng 12/2015. Tuy nhiên, hiện cả hai phe đối địch đều phản đối Chính phủ mới này.
Trước tình hình trên, Liên Hợp Quốc đã lên tiếng hối thúc các chính trị gia đối địch ở Libya chấp nhận Chính phủ đoàn kết dân tộc. Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon kêu gọi các phe phái tại Libya dẹp bỏ bất đồng và cho phép Hội đồng Tổng thống làm việc để hướng tới cuộc chuyển giao quyền lực một cách hòa bình và có trật tự cho Chính phủ đoàn kết dân tộc, qua đó ngăn chặn sự phát triển của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.
Ông Ban Ki-moon cũng hối thúc Quốc hội được quốc tế công nhận của Libya thực hiện trách nhiệm của mình trong việc triển khai thỏa thuận chia sẻ quyền lực nói trên.
Trước đó, các nước láng giềng của Libya như Tunisia, Algeria, Ai Cập, Cộng hòa Sudan, Niger và Cộng hòa Chad cũng bày tỏ sự ủng hộ đối với Chính phủ đoàn kết dân tộc tại Libya.
Các nước này nhấn mạnh sự cần thiết phải thành lập một Chính phủ đoàn kết dân tộc tại Libya nhằm chống lại mối đe dọa từ các nhóm Hồi giáo thánh chiến cực đoan cũng như tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.
Pháp mới đây cũng cảnh báo sẽ là một nguy cơ lớn đối với châu Âu khi Libya chưa có một Chính phủ chính thức. Pháp kêu gọi thành lập Chính phủ đoàn kết dân tộc ở Libya để chặn người tị nạn vào châu Âu, bởi có tới 800.000 người di cư đang tập trung ở Libya để tìm cách sang châu Âu./.