Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc ngày 14/3 hoan nghênh Đối thoại chính trị của Libya, đồng thời tiếp tục bày tỏ quan ngại về mối đe dọa khủng bố ngày càng gia tăng ở nước này.

Đối thoại chính trị trong nội bộ Libya được tổ chức ngày 14/3 một lần nữa tái khẳng định cam kết duy trì Hiệp định chính trị Libya - một thỏa thuận do Liên Hợp Quốc làm trung gian được ký kết vào tháng 12 năm ngoái về việc thành lập một chính phủ đoàn kết dân tộc.

libya_qvkj.jpg
Bất ổn được cho là đã tạo điều kiện để các tổ chức cực đoan mở rộng hoạt động ở Libya. (Ảnh minh họa: AFP)

Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon hoan nghênh thỏa thuận nói trên, coi đây là nền tảng cơ bản hướng tới một Libya “hòa bình, an ninh và thịnh vượng", đồng thời cũng là "sự khởi đầu của một hành trình đầy khó khăn".

Các thành viên của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc kêu gọi Chính phủ đoàn kết dân tộc sớm hoàn tất thỏa thuận an ninh tạm thời cần thiết để ổn định Libya, cho rằng chính phủ mới nên lấy trụ sở tại thủ đô Tripoli.

Trong khi đó, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc một lần nữa bày tỏ quan ngại về gia tăng mối đe dọa khủng bố ở Libya, đặc biệt là các nhóm tuyên bố trung thành với tổ chức Nhà nước Hồi giáo IS và các nhóm liên kết với mạng lưới khủng bố Al Qaeda; đồng thời kêu gọi Chính phủ đoàn kết dân tộc khẩn trương tập trung vào việc chống lại mối đe dọa này.

Các thành viên của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc cũng tái khẳng định cam kết mạnh mẽ vì “chủ quyền, độc lập, toàn vẹn lãnh thổ và thống nhất dân tộc” ở Libya.

Theo số liệu mới nhất của Liên Hợp Quốc, ước tính có 2,4 triệu người Libya đang cần viện trợ nhân đạo khẩn cấp, trong đó có tới 435.000 người đã phải rời bỏ nhà cửa đi sơ tán vì bất ổn tại quốc gia này.

Libya rơi vào một cuộc khủng hoảng chính trị trầm trọng khiến nước này bị đẩy vào cảnh có hai Chính phủ và hai Quốc hội cùng tồn tại song song. Lợi dụng sự bất ổn, tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tìm cách mở rộng địa bàn hoạt động ở Libya, liên tiếp thực hiện các vụ tấn công ở quốc gia này./.