Ngoại trưởng Hàn Quốc Kang Kyung-wha đang có chuyến thăm Trung Quốc với nỗ lực thúc đẩy mối quan hệ giữa hai nước sau những bất đồng liên quan đến Hệ thống phòng thủ tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) tại Hàn Quốc.
Chuyến thăm này diễn ra ngay trước cuộc gặp thượng đỉnh Hàn Quốc-Trung Quốc vào tháng tới, với mục tiêu gạt bỏ bất đồng để cải thiện quan hệ.
Phát biểu tại cuộc gặp với Ngoại trưởng Hàn Quốc Kang Kyung-wha tại Bắc Kinh, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cho biết, Trung Quốc hết sức coi trọng tuyên bố của Hàn Quốc, cho rằng việc triển khai Hệ thống Phòng thủ tầm cao giai đoạn cuối sẽ không gây tổn hại tới lợi ích an ninh của Trung Quốc: “Người Trung Quốc có một câu rằng "một người phải giữ cam kết của mình bằng hành động cụ thể của mình và phải làm hết sức để đạt được mục tiêu đó”. Chúng tôi hi vọng phía Hàn Quốc có thể tiếp tục giải quyết tốt vấn đề triển khai THAAD”.
Về phần mình, bà Kang Kyung-wha cũng bày tỏ hy vọng 2 nước có thể tiếp tục nỗ lực để bình thường hóa các mối quan hệ trên tất cả các lĩnh vực, sau các cuộc tiếp xúc song phương hữu ích tại Tuần lễ Cấp cao APEC và Hội nghị ASEAN mới đây.
Bộ Ngoại giao Hàn Quốc hôm qua (22/11) cũng thông báo, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in sẽ thăm Trung Quốc vào tháng tới và có cuộc gặp thượng đỉnh với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, với nội dung thảo luận về việc thúc đẩy mối quan hệ song phương.
Quan hệ Hàn - Trung trở nên căng thẳng kể từ tháng 7/2016, sau khi Hàn Quốc công bố quyết định cho phép Mỹ triển khai hệ thống THAAD trên lãnh thổ nước này. Kể từ đó, Trung Quốc luôn phản đối động thái này với lý do hệ thống vũ khí hiện đại này, đặc biệt là cụm radar rất mạnh đi kèm, có thể gây phương hại đến lợi ích an ninh chiến lược của Trung Quốc, đồng thời yêu cầu Hàn Quốc rút lại quyết định. Trung Quốc cũng có những cảnh báo trừng phạt thương mại nhằm vào Hàn Quốc liên quan đến vấn đề này. Tuy nhiên, hai nước gần đây liên tiếp có những bước đi nhằm cải thiện quan hệ song phương.
Vào cuối tháng 10 vừa qua, Hàn Quốc và Trung Quốc đã nhất trí bình thường hóa quan hệ trong một tuyên bố chung do Bộ Ngoại giao hai nước công bố, nhấn mạnh tầm quan trọng của mối quan hệ hợp tác song phương, với mong muốn chung là phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên. Các cuộc tiếp xúc giữa các quan chức cấp cao hai nước diễn ra thường xuyên thời gian qua.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hàn Quốc Noh Kyu-duk nhấn mạnh, hai bên đang cố gắng đưa mối quan hệ song phương đi đúng hướng: “Chúng ta chứng kiến mối quan hệ hai nước đang quay lại đúng quỹ đạo. Hàn Quốc và Trung Quốc công nhận lập trường của nhau về vấn đề bất đồng một cách khách quan. Hai nước đang tham gia vào các cuộc đàm phán trên cơ sở rằng sẽ rất quan trọng để nhanh chóng giải quyết bất đồng”.
Trung Quốc kêu gọi Hàn Quốc dừng triển khai hệ thống THAAD
Theo giới quan sát, nỗ lực cải thiện quan hệ giữa Hàn Quốc và Trung Quốc có thể nhìn thấy qua lăng kính quan hệ kinh tế thương mại.
Phát biểu trong cuộc gặp với Thủ tướng Lý Khắc Cường tại Philippines gần đây, Tổng thống Moon Jae-in khẳng định, nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc bị ảnh hưởng do mối quan hệ giữa hai nước liên quan đến THAAD. Việc bán hàng của nhiều Tập đoàn Hàn Quốc như Huyndai và Kia giảm mạnh sau những bất đồng gần đây.
Giới chuyên gia còn cho rằng, còn có một lý do chính trị và ngoại giao hấp dẫn hơn cả để cải thiện mối quan hệ Hàn Quốc-Trung Quốc, đó là việc Tổng thống Moon Jae-in tuyên bố ý định theo đuổi ngoại giao cân bằng giữa đồng minh Mỹ-Hàn Quốc và Trung Quốc.
Các tuyên bố phối hợp giữa Tổng thống Moon Jae-in với Tổng thống Mỹ Donald Trump trong chuyến thăm gần đây và những nỗ lực cải thiện quan hệ với Trung Quốc thể hiện chiến lược cân bằng của Hàn Quốc trong mối quan hệ với các đối tác quan trọng nhất.
Một mặt, Hàn Quốc vẫn thúc đẩy mối quan hệ đồng minh lâu năm với Mỹ, mặt khác coi trọng việc cải thiện quan hệ với Trung Quốc – nước có mối quan hệ vị trí địa lí, văn hóa và lịch sử sâu sắc với quốc gia này. Trung Quốc hiện cũng là một trong những đối tác thương mại lớn nhất của Hàn Quốc và là một phần của bất kỳ giải pháp ngoại giao nào đối với cuộc khủng hoảng hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên./.