Hàn Quốc và Trung Quốc vừa nhất trí hợp tác để nhanh chóng tiến tới bình thường hóa quan hệ giữa hai bên sau những mâu thuẫn kéo dài 1 năm liên quan tới việc triển khai Hệ thống Phòng thủ Tên lửa Tầm cao Giai đoạn cuối (THAAD) của Mỹ tại Hàn Quốc, kéo theo những tổn hại đến thương mại cũng như lợi ích kinh doanh của Hàn Quốc tại Trung Quốc thời gian qua.

thaad_vymk.jpg
Hệ thống THAAD của Mỹ.

Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Hàn Quốc đưa ra ngày 31/10 nhấn mạnh, cả hai bên cùng chia sẻ quan điểm cho rằng, tăng cường trao đổi hợp tác giữa Hàn Quốc và Trung Quốc là để phục vụ lợi ích chung của cả hai bên, nhất trí nhanh chóng đưa việc trao đổi và hợp tác trên tất cả các lĩnh vực trở lại lộ trình phát triển bình thường.

Hàn Quốc nhận thức rõ được mối quan ngại của Trung Quốc liên quan tới việc triển khai Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD), nhấn mạnh việc triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa này không nhằm vào bất kỳ nước thứ ba nào, cũng như không gây tổn hại đến lợi ích an ninh chiến lược của Trung Quốc.

Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Hàn Quốc đưa ra chỉ 1 ngày sau khi Ngoại trưởng Hàn Quốc Kang Kyung Hwa tại phiên điều trần của Bộ Ngoại giao trước Quốc hội ngày 30/10 đã đưa ra cam kết ba điểm của Chính phủ nước này gồm không xem xét triển khai thêm THAAD; không tham gia các mạng lưới phòng thủ tên lửa do Mỹ đứng đầu; hợp tác an ninh ba bên Hàn-Mỹ-Nhật không mở rộng thành một liên minh quân sự.

Phản ứng trước cam kết của Hàn Quốc, trong cuộc họp báo cùng ngày, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Doanh tuyên bố: “Chúng tôi đánh giá cao tuyên bố của phía Hàn Quốc về ba điểm. Phía Trung Quốc luôn phản đối việc triển khai Hệ thống Phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) của Mỹ tại Hàn Quốc.

Chúng tôi hy vọng rằng phía Hàn Quốc sẽ trung thành tôn trọng các cam kết này đồng thời xử lý các vấn đề liên quan một cách phù hợp, từ đó thúc đẩy để quan hệ Trung Quốc-Hàn Quốc sớm trở lại phát triển một cách mạnh mẽ và vững chắc”.

Trong tuyên bố mới nhất, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng tái khẳng định, hai bên vừa nhất trí để sớm đưa mối quan hệ song phương trở lại bình thường.

Hiện Trung Quốc và Hàn Quốc đang tích cực làm việc với nhau để giải quyết tranh cãi ngoại giao song phương liên quan tới việc triển khai Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) tại Hàn Quốc.

Giới chức văn phòng Tổng thống Hàn Quốc cho hay, hai bên đang tiến hành nhiều nỗ lực khác nhau để giải quyết vấn đề THAAD một cách êm ả trước khi Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có cuộc gặp bên lề Hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) sắp tới.

Phía Hàn Quốc xác nhận sự phối hợp tích cực cấp chuyên viên đang diễn ra và cho rằng việc giải quyết tranh cãi về THAAD là điều kiện cần và đủ cho hội nghị thượng đỉnh Hàn-Trung.

Thời gian qua, việc triển khai THAAD tại Hàn Quốc đã trở thành vật cản chính trong quan hệ Trung- Hàn. Trong khi cả Mỹ và Hàn Quốc đều nói rằng THAAD chỉ nhằm mục đích bảo vệ đất nước khỏi mối đe dọa hạt nhân từ Triều Tiên, Trung Quốc lại khẳng định động thái này gây ảnh hưởng đến an ninh quốc gia của Đại lục và đưa ra hàng loạt biện pháp chế tài không chính thức đối với Hàn Quốc.

Các doanh nghiệp Hàn Quốc tại Trung Quốc đã phải chịu đựng rất nhiều sự chèn ép từ đầu năm nay kể từ khi quân đội nước này triển khai Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) của Mỹ khiến cho Bắc Kinh nổi giận.

Tập đoàn Lotte, một trong những tập đoàn bán lẻ lớn nhất của Hàn Quốc, có lẽ là đơn vị đã phải chịu đựng cú sốc nặng nề nhất từ sự trừng phạt của Trung Quốc, do Lotte đã đồng ý đổi đất cho quân đội triển khai THAAD.

Hàng chục cửa hàng bán lẻ của Lotte tại Trung Quốc Đại lục đã bị đóng cửa. Hoạt động kinh doanh tự do của Lotte ở Hàn Quốc cũng bị ảnh hưởng bởi sự sụt giảm khách du lịch Trung Quốc.

Trước những tổn hại trực tiếp về thương mại, cũng như sự sứt mẻ trong quan hệ với Trung Quốc, Tổng thống Hàn Quốc thời gian qua đã không ngừng nỗ lực tìm cách hóa giải sự phản đối THAAD của Bắc Kinh.

Những ngày gần đây đã có nhiều dấu hiệu hy vọng cho việc hàn gắn mối quan hệ Trung - Hàn xuất hiện. Đầu tháng này, hai nước đã đồng ý gia hạn thoả thuận hoán đổi tiền tệ trị giá 64.000 tỷ won (tương đương 55 tỷ USD)- một động thái được giới phân tích đánh giá là dấu hiệu làm ấm lại mối quan hệ lạnh nhạt giữa hai bên. Trong khi các hãng hàng không Trung Quốc cũng đang có kế hoạch khôi phục các tuyến bay tới Hàn Quốc.

Hai nước gần đây cũng đã tổ chức hội đàm cấp cao, dưới sự chủ trì của ông Nam Gwan Pyo, Phó Giám đốc Văn phòng An ninh Quốc gia của Nhà Xanh và ông Khổng Huyễn Hựu, trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc kiêm đặc trách về vấn đề bán đảo Triều Tiên.

Hàn Quốc và Trung Quốc còn nhất trí tăng cường liên lạc, hợp tác chiến lược đối phó với các mối đe dọa từ chương trình hạt nhân và tên lửa  của Triều Tiên.

Cùng với đó, cuộc gặp cấp cao sắp tới giữa Mỹ và Trung Quốc vào tháng 11 cũng như một cuộc họp có thể diễn ra giữa các nhà lãnh đạo Hàn Quốc và Trung Quốc vào cuối năm nay đang được kỳ vọng có thể đem lại một bước đột phá cho việc giải quyết mối quan hệ đang bế tắc hiện nay./.