Ngày 2/8, Bộ Ngoại giao Nga đã ra thông báo về chấm dứt hiệu lực Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF), trong đó nhấn mạnh, việc này xảy ra do sáng kiến của Mỹ.

Thông báo của Bộ Ngoại giao Nga nêu rõ: “Ngày 2/8/2019 theo sáng kiến của phía Mỹ, Hiệp ước giữa Liên Xô và Mỹ về xóa bỏ các lực lượng hạt nhân tầm trung, được ký ở Washington ngày 8/12/1987, chấm dứt hiệu lực”.

Mỹ và Liên Xô đã ký Hiệp ước này vào năm 1987, không cho phép các bên được trang bị tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình trên mặt đất với tầm bắn từ 500 đến 5.500km. Tuy nhiên, Moscow và Washington thường xuyên cáo buộc lẫn nhau vi phạm các điều kiện của Hiệp ước.

Tháng 10/2018, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tuyên bố Washington rút khỏi hiệp ước này do Moscow “không tuân thủ” các trách nhiệm.

Ngày 4/3/2019, Tổng thống Nga V.Putin đã ký sắc lệnh dừng thực hiện hiệp ước này. Đây là sự đáp trả tương xứng của Nga trước các hành động của Mỹ.

Hôm nay, sau khi có thông báo của Bộ Ngoại giao Nga, đại diện thường trực của Nga trong các Tổ chức quốc tế tại Viena Mikhail Ulianov đã viết trên tài khoản Twitter của mình rằng, Nga đang xem xét 3 kịch bản sau khi chấm dứt hiệu lực của Hiệp ước về xóa bỏ các lực lượng hạt nhân tầm trung.

Theo ông, ba kịch bản có thể xảy ra là: cơ chế hạn ngạch; chạy đua vũ trang mới; tiến hành đàm phán về các biện pháp chính trị hoặc pháp lý để giảm thiểu hậu quả, sau khi tạm dừng (để làm quen với thực tế mới). Vậy kịch bản nào sẽ thắng thế? Nhà ngoại giao này đặt câu hỏi.

Trước đó, Tổng thống Mỹ D.Trump từng tuyên bố rằng, việc ký một hiệp ước mới là cần thiết, bao gồm cả Trung Quốc, nhưng Bắc Kinh không có ý định tham gia./.