Mỹ hôm 2/8 chính thức rút khỏi Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF). Được Liên Xô và Mỹ ký 30 năm trước, Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung là một trong những nền tảng nhằm kiểm soát vũ khí hiện đại và là cơ sở cho chương trình hành động không phổ biến vũ khí hạt nhân. Việc Hiệp ước này bị xóa sổ sẽ đẩy 2 cường quốc Nga và Mỹ vào một cuộc chạy đua vũ trang mới, với những hậu quả không lường trước được.

ten_lua_phong_tu_tau_ngam_mpbi.jpg
Tên lửa phóng từ tàu ngầm. Ảnh: USNI News.

Mỹ đã đình chỉ các nghĩa vụ của mình trong hiệp ước INF từ ngày 2/2, với cáo buộc Nga vi phạm hiệp ước này. Nga bác bỏ cáo buộc và cũng đình chỉ việc tuân thủ Hiệp ước này vào tháng 7 vừa qua. Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ John Bolton trong tuần này đã xác nhận Mỹ sẽ chính thức rút khỏi INF vào ngày 2/8. Dự kiến, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo sẽ đưa ra một tuyên bố chính thức trong hôm nay.

Theo INF, Mỹ và Nga cam kết không sản xuất, thử nghiệm, triển khai các tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình trên mặt đất tầm trung và tầm ngắn (từ 500 – 5.500 km). Với INF bị xóa bỏ, sẽ không điều gì có thể ngăn cản Nga phát triển tên lửa hạt nhân có thể đe dọa cả châu Âu. Chính quyền Mỹ cũng không do dự theo đuổi các loại vũ khí trong danh mục cấm tại châu Âu. Không phải là một bên tham gia Hiệp ước, nhưng INF có hiệu lực mang lại lợi ích lớn cho châu Âu, vì đây sẽ là mục tiêu đầu tiên nếu đối đầu Nga và Mỹ xảy ra.

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nhận định: “Hiệp ước INF là hòn đá tảng đối với an ninh châu Âu nhiều thập kỉ qua, bởi vì Hiệp ước cấm một số loại vũ khí, trong đó có các loại vũ khí tầm trung. NATO mong muốn Nga tuân thủ thỏa thuận, nhưng cũng đã chuẩn bị cho một thế giới không có INF. Chúng tôi đang lựa chọn các giải pháp như tăng cường hệ thống tên lửa và phòng không, thông tin tình báo, diễn tập, cũng như các sáng kiến mới trong việc kiểm sóat vũ khí”.

Hiện có nhiều dấu hiệu cho thấy Nga và Mỹ rục rịch cho một cuộc chạy đua vũ trang mới. Theo một số nguồn tin quốc phòng Mỹ, quân đội nước này dự kiến thử các tên lửa hành trình mới để thách thức Nga tại châu Âu. Giới quan sát nhận định, vụ thử có thể diễn ra trong vài tuần tới, là “phát súng khởi đầu” cho một cuộc chạy đua vũ trang mới với Nga sau khi INF chính thức hết hiệu lực.

Bộ Quốc phòng Nga trước đó cũng đặt thời hạn cho các lực lượng chức năng nước này trong 2 năm tới phải tăng tầm bắn của các loại tên lửa đang được phát triển. Ông Jon Wolfsthal - Giám đốc Nhóm khủng  hoảng hạt nhân nhận định, Nga sẽ tiếp tục chế tạo và triển khai các tên lửa tầm trung, làm tăng đáng kể rủi ro cho châu Âu và nguy cơ leo thang với Mỹ.

Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres hôm 1/8 cảnh báo hậu quả của việc xóa bỏ INF: “Tôi lo ngại về việc gia tăng căng thẳng giữa các quốc gia hạt nhân. INF giúp ổn định châu Âu và chấm dứt chiến tranh Lạnh. Khi bị xóa sổ, thế giới đối mặt với nguy cơ chiến tranh hạt nhân  gia tăng. Các bên nên tránh những bước đi làm gia tăng bất ổn,  khẩn cấp tìm kiếm thỏa thuận về một con đường chung mới cho việc kiểm soát vũ khí quốc tế.  Tôi hối thúc Nga và Mỹ gia hạn Hiệp ước mới để đảm bảo sự ổn định và thời gian đàm phán cho những biện pháp kiểm soát vũ khí tương lai”.

Với INF bị xóa bỏ, thế giới hiện dựa vào 1 thỏa thuận duy nhất Hiệp ước START mới để ngăn chặn một cuộc chạy đua vũ trang mới theo kiểu Chiến tranh Lạnh. Tuy nhiên, hiệp ước START mới cũng sẽ hết hiệu lực vào năm 2021 và dường như Nga và Mỹ không mấy thiện chí đàm phán gia hạn văn kiện này. Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ John Bolton mới đây cảnh báo, Hiệp ước này chưa hoàn thiện và vì vậy, nhiều khả năng sẽ không được gia hạn sau khi hết hiệu lực vào tháng 2/2021.

INF hết hiệu lực, START mới không được gia hạn, không chỉ xóa bỏ những ràng buộc để ngăn chặn một cuộc chạy đua vũ trang mới, mà lần đầu tiên trong nhiều thập kỉ, hai cường quốc hạt nhân là Nga và Mỹ không có khả năng để kiểm soát và xác minh vũ khí lẫn nhau. Trong bối cảnh căng thẳng nghiêm trọng giữa Nga và phương Tây hiện nay, bất kỳ bước đi đầu tiên khiêu khích nào cũng sẽ nhận rủi ro, tạo ra cuộc chạy đua vũ trang mới giữa hai đối thủ, gây nguy hiểm cho hàng triệu công dân châu Âu cũng như thế giới./.