Mỹ, Nga và các quốc gia Bắc Cực như Canada, Nauy và Đan Mạch hôm 16/7, đã ký một thỏa thuận cấm các tàu thuyền đánh cá của các quốc gia mình hoạt động tại vùng biển có lượng băng tan chảy nhanh xung quanh khu vực Bắc Cực.

Thỏa thuận được ký tại thành phố Oslo của Nauy có sự tham gia của đại diện Nga, Mỹ và đại sứ các nước như Canada, Nauy và Đan Mạch. Đây được xem như phản ứng của các quốc gia có liên quan nhằm đối phó với hiện tượng ấm nóng toàn cầu, đang làm đẩy nhanh tốc độ tan chảy của các tảng băng ở khu vực giữa Bắc Cực. 

danh_bat_ca_o_bac_cuc_frey.jpg
Một cuộc đánh bắt cá ở Bắc Cực  (ảnh: National Geographic)

Theo đánh giá của các chuyên gia, cản trở lớn nhất từ việc đánh bắt cá tại vùng biển Bắc Cực là tốc độ xói mòn quá nhanh của bờ biển khi các lớp băng bảo vệ tan chảy nhanh chóng do tình trạng ấm dần lên của Trái đất. Điều này đã đe dọa tới sự sống của nhiều sinh vật biển và hệ sinh thái tại đây.

Theo ông David Balton, phó trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề đại dương và nghề cá, thỏa thuận này giữa các bên sẽ góp phần ngăn chặn hiện tượng trên xảy ra sớm hơn so với dự kiến.

Còn theo Bộ trưởng Ngoại giao Nauy Boerge Brende, biến đổi khí hậu đang tác động tới luồng di cư của cá. Do vậy các quốc gia Bắc Cực cần có trách nhiệm để bảo vệ các vùng nước quốc tế, bắt đầu từ khu vực 200 hải lý tính từ khu vực duyên hải của các quốc gia vùng biển có liên quan.

Thỏa thuận trên đã được đàm phán sơ bộ tại đảo Greenland - hòn đảo lớn nhất trên thế giới vào tháng 2/2014 và dự kiến được ký vào tháng 6/2014. Tuy nhiên, sau sự kiện Nga sát nhập bán đảo Crimea vào tháng 3/2014, cả Mỹ và Canada đã đẩy chay cuộc họp của Hội đồng Bắc Cực diễn ra tại Nga năm ngoái khiến việc ký thỏa thuận bị đình lại đến nay./.