Ngày 14/5, phản ứng trước thông báo của Trung Quốc về lệnh cấm đánh bắt cá ở Biển Đông bắt đầu từ ngày 16/5, Ngoại trưởng PhilippinesAlbert del Rosario đã lên tiếng phản đối và tuyên bố không công nhận lệnh cấm này với một khẩu khí cực kỳ cứng rắn. Ngoại trưởng Rosario cáo buộc đây là hành động “xâm phạm” chủ quyền lãnh thổ Philippines.

“Manila không công nhận lệnh cấm đánh bắt cá ở Biển Đông của Trung Quốc bởi đây là một hành động xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của Philippines. Philippine sẽ thực hiện quyền hợp pháp duy nhất của mình trong vùng đặc quyền kinh tế theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển”, Ngoại trưởng Rosario khẳng định.

tau-ngu-chinh.jpg
Tàu Ngư chính 310, tàu Hải giám Trung Quốc hoạt động trên bãi Scarborough (Ảnh: nddaily)
Theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển, các nước có chủ quyền lãnh thổ đối với khu vực biển nằm trong vòng 200 hải lý tính từ bờ biển của mình. Công ước này đã được 162 nước ký công nhận, trong đó có cả Philippines và Trung Quốc. Bãi cạn Scarborough nằm cách bờ biển của Philippines 124 hải lý trong khi nó cách bờ biển gần nhất của Trung Quốc là 472 hải lý, ông Rosario nhấn mạnh.

Trong một tuyên bố riêng rẽ của Bộ Ngoại giao nước này cho thấy, nước này cũng “sẽ cân nhắc để đưa ra một lệnh cấm đánh bắt cá riêng trong một giai đoạn nhất định” nhằm “hồi phục các nguồn lực hàng hải trong khu vực đang ngày càng cạn kiệt nhanh chóng”. Tuy nhiên, theo Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Philippines, ông Raul Hernandez, Manila chưa quyết định về thời gian cụ thể khi nào sẽ thực hiện lệnh cấm đánh bắt cá ở khu vực lãnh hải của Philippines thuộc Biển Đông. Do đó, hai tàu thuyền của Philippines sẽ tiếp tục có mặt tại bãi cạn Scarborough.

Lệnh cấm đánh bắt cá của Trung Quốc ở Biển Đông được đưa ra đúng thời điểm nước này và Philippines đang có đối đầu căng thẳng vì tranh chấp chủ quyền khu vực bãi cạn Scarborough.

Thông báo của phía Trung Quốc cho biết, sẽ tiến hành tịch thu tàu thuyền, số cá đánh bắt được của người vi phạm lệnh cấm này. Ngư dân Trung Quốc nếu vi phạm sẽ bị phạt tiền và rút giấy phép đánh cá.

Thông tin về lệnh cấm còn nhấn mạnh, động thái của Trung Quốc là "lặp lại lệnh cấm đánh cá mùa hè được công bố hàng năm kể từ 1999 ở những vùng nước mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền".

Liên quan đến lệnh cấm đánh bắt cá ở Biển Đông, Đài Phát thanh quốc tế Trung Quốc (CRI) dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi khẳng định “chế độ ngừng đánh bắt cá trên biển do cơ quan chủ quản Trung Quốc thực thi là biện pháp quản lý hành chính đã được áp dụng trong nhiều năm, với mục đích nhằm bảo vệ tài nguyên sinh vật biển ở vùng biển hữu quan, không liên quan đến vụ việc đảo Hoàng Nham hiện nay.

Cùng với lệnh cấm đánh bắt cá trên Biển Đông, China news đưa tin, Trung Quốc đang tiến hành đưa tổ hợp nhà máy chế biến thủy sản ra Biển Đông. Tổ hợp nhà máy chế biến thuỷ sản di động này là một đội tàu hùng hậu giữ vị trí trung tâm là tàu Hải Nam Bảo Sa 001 (Hainan Baosha 001) có trọng tải 32.000 tấn. Con tàu này đóng vai trò như một nhà máy chế biến thủy sản di động trên biển với công suất chế biến của tàu này lên tới 2.100 tấn thủy sản mỗi ngày, cùng số công nhân làm việc thường xuyên lên tới 600 người.

Hải Nam Bảo Sa 001 là tàu chế biến thủy sản lớn nhất của Trung Quốc và nằm trong top 4 của thế giới về loại tàu này.

Đi cùng hỗ trợ cho nhà máy chế biến thủy sản di động Hải Nam Bảo Sa 001 là một tàu vận chuyển trọng tải 10.000 tấn và một tàu chở dầu trọng tải 20.000 tấn. Ngoài ra, có 3 tàu vận chuyển nhỏ hơn cùng hàng trăm tàu đánh cá trên 100 tấn./.