Trong khi đó, tại Syria, tinh thần người dân đang được khích lệ với sự tin tưởng rằng kế hoạch của Nga-Mỹ sẽ không bao gồm một hành động quân sự.
Cộng đồng quốc tế có thể thở phào nhẽ nhõm và có phản ứng tích cực khi Nga và Mỹ cuối tuần qua tìm được sự đồng thuận cho vấn đề Syria, cũng như thông báo của Liên Hợp Quốc cho biết, Syria đã đáp ứng các quy định bắt buộc để gia nhập Tổ chức cấm vũ khí hóa học (OPCW). Theo đó, Syria sẽ trở thành thành viên tổ chức này từ ngày 14/10 tới.
Người dân Syria liệu sẽ có hòa bình? (Ảnh Reuters) |
Ngoại trưởng Nga và Mỹ đã ngay lập tức bắt tay vào các hoạt động ngoại giao con thoi để “bảo vệ” thỏa thuận về Syria, trong bối cảnh Mỹ vẫn đang để ngỏ khả năng về một hành động quân sự nếu giải pháp đặt vũ khí hóa học của Syria dưới sự kiểm soát của quốc tế thất bại.
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry hôm 15/9 đã tới Jerusale để “đảm bảo” với các nhà lãnh đạo Israel về thỏa thuận Nga-Mỹ.
Ông Kerry nhấn mạnh, sự thành công của thỏa thuận này phụ thuộc một phần lớn vào hành động của chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad. Ngoại trưởng Mỹ cho biết: “Nga-Mỹ mới chỉ đạt thỏa thuận khung chứ chưa phải một thỏa thuận cuối cùng. Thỏa thuận khung này còn phải được Liên Hợp Quốc phê chuẩn để có hiệu lực."
Theo thỏa thuận, phía Nga khẳng định, chính quyền Syria của ông al-Assad đã đồng ý sẽ công bố vị trí các kho vũ khí hóa học trong vòng 1 tuần. Một sự trừng phạt quân vẫn còn đó và tất các bên cần hiểu rõ rằng Mỹ cam kết sẽ hành động nếu biện pháp ngoại giao thất bại”.
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cũng lên tiếng hoan nghênh thỏa thuận Nga-Mỹ về vấn đề Syria.
Nhưng ông cũng cho rằng, để giải pháp ngoại giao thực sự hiệu quả thì đi kèm với đó vẫn cần có một cảnh báo quân sự thật sự.
Như để trấn an Israel và các đồng minh khác, Tổng thống Mỹ Barack Obama hôm 15/9 cũng cho rằng, thỏa thuận Mỹ-Nga không chỉ tạo cơ hội tiêu hủy kho vũ khí hóa học tại Syria, mà còn hứa hẹn chấm dứt mối đe dọa của loại vũ khí này đối với khu vực và thế giới.
Theo ông Obama, vẫn còn nhiều việc phải làm ngay cả khi thỏa thuận này đạt được tiến triển.
Về phía Nga, Ngoại trưởng Sergei Lavrov ngày 17/9 sẽ tiếp Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius. Trước khi tới Nga, ông Fabius hôm 16/9 có buổi gặp với Ngoại trưởng Mỹ Kerry và Ngoại trưởng Anh William Hague tại thủ đô Paris để bàn về vấn đề Syria.
Phát biểu trên truyền hình Pháp TF1 tối qua, Tổng thống Pháp Francois Hollande kêu gọi Liên Hợp Quốc ra một nghị quyết về Syria vào cuối tuần này.
Theo ông Hollande, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc vẫn cần tính đến phương án trừng phạt với Syria.
Tổng thống Pháp nhấn mạnh: “Chúng tôi sẽ làm việc với Ngoại trưởng của Mỹ và Anh, sau đó Ngoại trưởng Pháp Fabius sẽ tới Nga. Các nước có thể bỏ phiếu cho một nghị quyết về Syria trước cuối tuần này. Bạo lực vẫn đang tiếp diễn tại Syria do đó, bước tiếp theo sẽ là tìm một giải pháp chính trị. Pháp đang suy nghĩ một cách nghiêm túc về giải pháp ngoại giao và chính trị cho vấn đề Syria. Song chúng tôi vẫn muốn có phương án quân sự để có thể là sức ép cho giải pháp ngoại giao.”
Với người dân Syria, thỏa thuận Nga-Mỹ thực sự là một điều kích lệ lớn trong bối cảnh đất nước bị phủ bóng đen nội chiến trong hơn 2 năm qua.
Các phương tiện truyền thông tại Syria hôm 15/9 đều nhấn mạnh tới kế hoạch Nga-Mỹ không đề cập một hành động quân sự.
Bà Fadia Deeb, nghị sĩ Quốc hội Syria kỳ vọng, “bước tiến đột phá” giữa Nga và Mỹ là dấu hiệu của một giải pháp ngoại giao quốc tế có thể giúp chấm dứt cuộc nội chiến ở quốc gia Trung Đông này.
“Tất các bên liên quan cần ngay lập tức hướng tới thực hiện một giải pháp chính trị cho tình hình Syria. Bạo lực hay giải pháp quân sự sẽ không thể dẫn tới một giải pháp chính trị và cả khu vực sẽ phải chịu hậu quả khôn lường”, bà nói.
Cộng đồng quốc tế coi sự nhất trí của Nga và Mỹ như "tia sáng ở cuối đường hầm" có thể giúp chấm dứt cuộc xung đột kéo dài gần 3 năm tại Syria, song thực tế có thể thấy những tuyên bố của Mỹ và các đồng minh vẫn luôn nhắc đến một phương án quân sự.
Điều này cũng khiến đồng minh thân cận của Syria trong khu vực là Iran không khỏi lo ngại. Iran nhấn mạnh, khi Mỹ cam kết thực hiện theo thỏa thuận đạt được với Nga thì không còn cớ nào để tấn công Syria./.