Các tài liệu của CIA cho thấy trong một vài thập kỷ qua Israel đã bí mật xây dựng một kho vũ khí hóa học và sinh học riêng của mình.

Điều này càng làm cho các cáo buộc từ trước đến nay của các nước Arab về việc Israel sở hữu vũ khí hạt nhân trở lên nhức nhối hơn bao giờ hết.

Syria thường tuyên bố rằng nước này có khoảng 1.000 tấn vũ khí hóa học trong kho vũ khí của mình như một biện pháp ngăn chặn các cuộc xung đột quân sự với Israel.

israel_copy.jpg
Một cơ sở sản xuất vũ khí hóa học và nguyên tử của Israel tại Dimona (Ảnh RT)

“Vũ khí hóa học của Syria chỉ là để răn đe vũ khí hạt nhân của Israel”, Đại sứ Syria tại Liên Hợp Quốc Bashar Jaafari đưa ra tuyên bố trên sau khi nhận được báo cáo của CIA về chương trình vũ khí sinh học của Israel.

“Vũ khí hóa học của chúng tôi chỉ nhằm mục đích tự vệ và giờ là lúc để chính quyền Syria tham gia vào Công ước quốc tế về vũ khí hóa học (CWC) như một động thái cho thấy chúng tôi sẵn sàng chống lại tất cả các loại vũ khí hủy diệt hàng loạt”, ông Jaafari khẳng định.

Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 10/9 đã tuyên bố “Mọi người đều biết là Syria có sở hữu vũ khí hóa học và những người Syria luôn coi đó là một biện pháp đề phòng vũ khí hạt nhân của Israel”.

Syria so bì

“Nguy cơ chính mà Israel có thể gây ra bằng vũ khí hủy diệt hàng loạt chính là kho vũ khí hạt nhân của nước này”, ông Jaafari tuyên bố vào hôm 12/9 và nhấn mạnh rằng Israel cũng sở hữu vũ khí hóa học mà “chẳng ai đả động gì”.

Tuyên bố trên đã đẩy tình hình khủng hoảng về vũ khí hóa học ở Syria sang một khía cạnh khác. Chính quyền Mỹ trong vài thập niên trở lại đã từ chối bình luận về số lượng đầu đạn hạt nhân trong kho vũ khí của Israel.

Thông qua việc đưa vấn đề này lên bàn đàm phán quốc tế, Damascus có thể đẩy chính quyền Obama vào tình thế “tiến thoái lưỡng nan”.

Washington phản ứng thông qua việc Phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao nước này Jennifer Psaki nhấn mạnh rằng Mỹ sẽ không bao giờ chấp nhận việc so sánh chế độ của Syria với nhà nước Israel vốn có một “nền dân chủ rất mạnh” và “không giết hại tàn khốc dân mình bằng khí gas,” bà nói.

Thông thường, các quan chức Israel không bao giờ bình luận về những cáo buộc nước này sở hữu kho vũ khí hủy diệt hàng loạt. Thay vì thế nước này chỉ ra rằng mình đang gánh chịu những mối đe dọa thường trực từ các nước Trung Đông khác như Iran, Lebanon và Syria.

Israel đã ký Công ước quốc tế về vũ khí hóa học năm 1993, chính thức có hiệu lực vào năm 1997, nhưng Israel chưa bao giờ phê chuẩn công ước này.

 “Những nước trên không công nhận quyền tồn tại cuả Israel và rõ ràng là đang kêu gọi tiêu diệt nhà nước này… Israel không thể làm ngơ trước những mối đe dọa này khi xem xét việc phê chuẩn Công ước quốc tế về vũ khí hóa học”, Phát ngôn viên Chính quyền Israel Jonathan Peled tuyên bố.

Cho đến nay Công ước quốc tế về vũ khí hóa học đã được 189 nước phê chuẩn và chỉ còn có bảy nước từ chối tham gia Công ước này.

Vào ngày 12/9, Phái đoàn của Syria ở Liên Hợp Quốc tuyên bố rằng nước này đã tham gia vào Công ước quốc tế về vũ khí hóa học.

"Về mặt pháp lý, từ ngày hôm nay Syria đã trở thành một thành viên đầy đủ của Công ước", Đại sứ Syria tại Liên Hợp Quốc, ông Bashar Jaafari tuyên bố sau khi đệ trình đơn của nước này lên Liên Hợp Quốc.

Ông Jaafari nói rằng Tổng thống Bashar Assad đã ký một sắc lệnh phê chuẩn việc Syria gia nhập vào Công ước đồng thời với việc Ngoại trưởng nước này Walid Mouallem cũng thông báo với Tổ chức cấm sử dụng vũ khí hóa học về quyết định giam nhập tổ chức này của Damascus.

Tờ Washington Post cho rằng chính quyền Obama sẽ không loại trừ khả năng số vũ khí hóa học của Syria sẽ được chuyển cho Nga sử dụng vào mục đích khác.

Tuy nhiên Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov hôm 14/9 nói rằng vẫn chưa có kế hoạch cụ thể về việc nước nào sẽ đảm nhận việc này./.