Nga đang lên kế hoạch “ trả đũa” ở tất cả các cấp sau khi các gói trừng phạt mới nhất của Liên minh châu Âu và Mỹ nhằm vào Nga bắt đầu có hiệu lực hôm 12/9 vừa qua. Mặc dù coi các biện pháp trừng phạt là hành động vi phạm luật pháp quốc tế và là chính sách thù địch của các nước phương Tây nhưng Nga tuyên bố vẫn để ngỏ cánh cửa đối thoại với Mỹ.
Bộ trưởng Phát triển kinh tế Nga Aleksey Ulyukayev hôm qua (13/9) cũng cho biết, trong một động thái liên quan đến gói trừng phạt mới nhất của Mỹ và Liên minh châu Âu, Nga có thể bổ sung lệnh cấm đối với những sản phẩm cơ khí và các mặt hàng công nghiệp hóa dầu đối với phương Tây. Mặc dù khẳng định chưa có quyết định cuối cùng, nhưng ông Ulyukayev cho biết đề xuất này đã sẵn sàng và đang tiếp tục được xem xét.
Trước đó, Tổng thống Nga Putin cũng cảnh báo sẽ xem xét đưa ra các biện pháp đáp trả: “Về các biện pháp đáp trả, chính phủ Nga đang xem xét. Nếu có bất kì biện pháp nào được áp dụng, điều này chắc chắn phải tạo ra những điều kiện tốt cho chúng tôi. Tôi nghĩ những gì cần làm về việc giới hạn nhập khẩu thực phẩm cũng có tác động tiêu cực đến nước Nga, mặc dù rất nhỏ. Tuy nhiên, các biện pháp này thực tế cũng có tích cực trong việc kích thích ngành nông nghiệp của Nga. Chúng tôi sẽ không đưa ra các quyết định làm tổn hại đến nước Nga”.
Ngay sau khi Mỹ và Liên minh châu Âu thông báo trừng phạt, họ đã vấp phải sự chỉ trích mạnh mẽ từ phía Nga. Nga cho rằng đây là một chính sách hoàn toàn thù địch đối với nước này và đi ngược lại lợi ích của chính Liên minh châu Âu. Các quan chức ngoại giao Nga cũng khẳng định, nước này phản đối mạnh mẽ các biện pháp trừng phạt mà Mỹ dự định áp dụng đối với Nga, coi đây là hành động vi phạm luật pháp quốc tế vì chỉ có Hội đồng Bảo an mới có thẩm quyền đưa ra các biện pháp trừng phạt.
Cuộc khủng hoảng Ukraine đã đẩy mối quan hệ giữa Nga và các nước phương Tây xuống mức thấp nhất kể từ sau chiến tranh lạnh. Nga đã đối mặt với các biện pháp trừng phạt của phương Tây bao gồm cấm visa, đóng băng tài sản, trừng phạt các ngành kinh tế. Đáp trả lại các biện pháp này, Nga cũng áp đặt một năm lệnh cấm nhập khẩu các sản phẩm nông nghiệp từ Mỹ và Liên minh châu Âu khiến nông dân châu Âu lao đao.
Mặc dù vậy, Nga và Liên minh châu Âu đều nhận thức được rằng sự đối đầu này sẽ gây thiệt hại kinh tế lớn cho chính Nga và các nước châu Âu nên hai bên đang cố gắng hạ nhiệt căng thẳng hiện nay.
Bộ Ngoại giao Nga cho biết, nước này sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt đáp trả nhưng vẫn để mở cánh cửa đối thoại với Mỹ. Nước Nga sẽ không hành động để làm hài lòng tham vọng địa chính trị của Mỹ và các tính toán chính trị khác, nhưng Nga vẫn để mở cánh cửa hợp tác xây dựng song phương, bao gồm những đóng góp cho cuộc khủng hoảng Ukraine nếu chính quyền Mỹ sẵn sàng. Theo họ, Mỹ nên thừa nhận, chỉ có sự tôn trọng lẫn nhau mới có thể tìm ra giải pháp cho cuộc xung đột làm hài lòng tất cả các bên.
Trong khi đó, các nhà ngoại giao Liên minh châu Âu cũng cho biết, lệnh trừng phạt này sẽ được hủy bỏ nếu tình hình ở miền Đông Ukraine được cải thiện. Dự kiến một nhóm tiếp xúc về Ukraine sẽ tiếp tục họp vào tuần tới tại Belarus để thảo luận giải pháp cho cuộc khủng hoảng ở nước này./.