Bất chấp những nỗ lực của Nga nhằm giảm căng thẳng tại Ukraine, Mỹ và Liên minh châu Âu ngày 12/9 vẫn tiếp tục áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Nga. Ngay lập tức, phía Nga đã có những phản ứng gay gắt về các biện pháp trừng phạt mới của các nước phương Tây.
Ngày 12/9, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã chỉ trích việc Liên minh châu Âu thông qua các biện pháp trừng phạt mới nhằm vào Nga trong bối cảnh chính quyền Ukraine và lực lượng đòi liên bang hóa tại miền Đông vừa nhất trí một thỏa thuận ngừng bắn.
Phát biểu bên lề Hội nghị Thượng đỉnh Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO), Ngoại trưởng Lavrov nói: “Việc Liên minh châu Âu thông qua những quyết định chống lại chúng tôi vào thời điểm tiến trình hòa bình ở Ukraine đang gặt hái được thành công, đồng nghĩa với việc Liên minh châu Âu đang lựa chọn con đường tiến tới hủy hoại tiến trình hòa bình ở Ukraine”.
Về phía Tổng thống Nga Vladimir Putin, ngày 12/9 cũng bày tỏ quan ngại về các biện pháp trừng phạt mới mà Liên minh châu Âu áp đặt với Nga, bất chấp những nỗ lực của Nga nhằm thúc đẩy hòa bình tại Ukraine. Theo Tổng thống Nga, các biện pháp trừng phạt của Liên minh châu Âu sẽ gây phương hại đến tiến trình hòa bình ở Đông Ukraine và khẳng định Nga sẽ hành động để bảo vệ các nhà sản xuất Nga. Tổng thống Putin nói: “Tôi cảm thấy thật kỳ lạ khi các lệnh trừng phạt lại được áp đặt vào thời điểm này, khi mà tình hình tại Ukraine đang được cải thiện. Chúng tôi đang cân nhắc về các biện pháp trả đũa của chúng tôi để làm sao các biện pháp này sẽ mang lại lợi ích cho chúng tôi".
Về các biện pháp trừng phạt mới nhất của Mỹ đối với Nga ngày 12/9, trong một tuyên bố cùng ngày, Chủ tịch Duma quốc gia (tức Hạ viện) Nga Sergei Naryshkin đã chỉ trích lệnh trừng phạt mới của Mỹ áp đặt đối với Nga là “không liên quan tới thực tế” và cuộc khủng hoảng ở Ukraine chỉ là cái cớ để Mỹ gây căng thẳng với Nga.
Trước đó, cùng ngày, Liên minh châu Âu đã công bố và thực thi các biện pháp trừng phạt mới nhằm vào các công ty lớn trong lĩnh vực quốc phòng, dầu khí và ngân hàng của Nga cũng như những cá nhân là các nhà chính trị và doanh nhân hàng đầu của nước này. Tiếp sau Liên minh châu Âu, Bộ Tài chính Mỹ ngày 12/9 cũng đã công bố và áp đặt các biện pháp trừng phạt mới đối với Nga liên quan đến cuộc khủng hoảng ở Ukraine.
Theo tuyên bố của Bộ trưởng Tài chính Mỹ Jacob Lew, vòng trừng phạt mới của Mỹ đối với Nga bao gồm mở rộng các biện pháp trừng phạt nhằm vào các tổ chức tài chính lớn, các tập đoàn năng lượng hàng đầu và các công ty công nghệ quốc phòng của Nga. Theo đó, Bộ Tài chính Mỹ đã bổ sung ngân hàng lớn nhất của Nga là Sberbank vào danh sách cấm người Mỹ mua cổ phần hay mua các khoản nợ dài hạn, đồng thời thắt chặt các hạn chế mua nợ đối với 6 ngân hàng khác của Nga như Ngân hàng trung ương Nga.
Theo đánh giá của các chuyên gia, các biện pháp trừng phạt mà Mỹ và các nước phương Tây áp đặt vào Nga lúc này sẽ tác động ngược tới chính các nước này, bởi lẽ có quá nhiều công ty của Mỹ và phương Tây hiện đang có quan hệ làm ăn với các công ty của Nga.
Bà Maria Lipman, chuyên gia phân tích chính trị của Trung tâm Carnegie ở Thủ đô Moscow, Nga nói: “Theo tôi, áp lực của lệnh trừng phạt sẽ tác động tới lợi ích của các công ty và tập đoàn lớn trên thế giới như Exxon or BP. Họ sẽ chẳng vui gì khi mà lệnh trừng phạt đang can thiệp tới hoạt động hợp tác sinh lời của họ với các công ty dầu khí của Nga. Vì vậy theo tôi, cơ hội để các nước phương Tây nới lỏng các biện pháp trừng phạt với Nga là hoàn toàn có thể xảy ra”.
Nhận định của các chuyên gia không phải là không có cơ sở. Bởi lẽ, cho dù đã áp đặt các biện pháp trừng phạt Nga, song chính phủ các nước Liên minh châu Âu vẫn tuyên bố trên tờ Tạp chí chính thức của Liên minh châu Âu rằng, Liên minh châu Âu có thể dỡ bỏ một phần, hoặc toàn bộ biện pháp trừng phạt Nga nếu Nga tuân thủ thỏa thuận ngừng bắn tại Ukraine và tôn trọng thỏa thuận hòa bình này.
Bên cạnh đó, việc áp đặt các biện pháp trừng phạt với Nga cũng đang vấp phải ý kiến phản đối của không ít nước thành viên Liên minh châu Âu do việc thực thi quyết định trừng phạt mạnh tay nền kinh tế Nga hồi tháng 7 vừa qua đã tác động không nhỏ đến kinh tế nhiều nước thành viên khối này./.