Bộ Ngoại giao Nga ngày 10/3 đã chỉ trích các Chính phủ và phương tiện truyền thông của phương Tây làm ngơ trước tình trạng căng thẳng đáng báo động hiện nay ở Ukraine, trong đó có việc người biểu tình ủng hộ Nga ở thành phố Kharkov bị ngắm bắn.

kharkov1.jpg
Người biểu tình ủng Nga ở Kharkov hôm 8/3 (Ảnh: AFP)

Theo RT, các nhân chứng cho hay, có một nhóm khoảng 7 hoặc 8 người đeo mặt nạ đi trên một chiếc xe tải quân sự tiến đến nơi diễn ra cuộc biểu tình hôm 8/3 ở trung tâm thành phố Kharkov. Trong cuộc biểu tình này, người dân ở Kharkov đòi tiến hành một cuộc trưng cầu dân ý giống như ở Crimea để có thể tiến tới sáp nhập vào Nga. 

Những kẻ bịt mặt được trang bị súng ngắn và dùi cui đã phục kích 3 nhà hoạt động khi họ trở về từ cuộc biểu tình.

Một trong số những nhà hoạt động nói trên trả lời Live News cho hay: “Họ đe dọa giết chết chúng tôi. Tôi phải dùng tay che đầu trong khi họ dùng dùi cui vụt tới tấp. Chúng tôi hầu như không thể nhận biết được điều gì đang xảy ra”.

Những kẻ tấn công sau đó còn bắt nhiều phát đạn về phía cuộc ẩu đả làm một nhà hoạt động ủng hộ Nga bị thương.

Theo Bộ Ngoại giao Nga, vụ việc trên chỉ là một trong những sự cố không hiếm gặp mà Chính phủ lâm thời Ukraine và phương Tây muốn che giấu. Phía Nga cũng cho biết, Ukraine đã bắt giữ và trục xuất 7 nhà báo Nga với lý do, họ đưa tin phiến diện, một chiều. 

Ukraine còn tiến hành phong tỏa khu vực biên giới, nơi có người Nga sinh sống gần đó. Lực lượng biên phòng Ukraine gần đây từ chối không cho khoảng 3.500 người, trong đó có 16 phóng viên, nhập cảnh nước này. Như vậy, trung bình là mỗi ngày, Ukraine từ chối không cho 500 người đi vào lãnh thổ của họ.

Tuyên bố của Bộ Ngoại giao nga cho biết: “Sự im lặng của các chính phủ, các nhóm hoạt động nhân quyền và phương tiện truyền thông phương Tây khi thông tin về tình hình hiện nay ở Ukraine là thực sự khó hiểu và thật đáng xấu hổ”.

Cho đến nay, Nga vẫn không công nhận tính hợp pháp của chính phủ lâm thời Ukraine vì cho rằng, chính phủ này được dựng lên sau một cuộc đảo chính bất hợp pháp và chịu ảnh hưởng nặng nề bởi các thế lực cực đoan.

Một số khu vực ở Đông Ukraine mà tiêu biểu nhất là nước Cộng hòa tự trị Crimea có chung quan điểm với Nga. Tuần trước, Quốc hội Crimea đã phê chuẩn sẽ tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý về việc sáp nhập vào Nga vào ngày 16/3 tới./.