Trong bối cảnh cuộc khủng hoảng tại Ukraine đang diễn biến nghiêm trọng và mối quan hệ giữa Nga với Ukraine căng thẳng liên quan đến quyết định trưng cầu ý dân về sáp nhập Cộng hòa tự trị Crimea vào Nga, hôm qua (9/03), các nỗ lực ngoại giao con thoi đã tích cực được triển khai. Nhiều nhà lãnh đạo thế giới cho rằng, giải pháp chính trị là phù hợp nhất cho tình hình Ukraine lúc này.
Theo tin từ Văn phòng Thủ tướng Anh, ngày 9/3, Thủ tướng Anh đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Nga, trong đó hai nhà lãnh đạo cùng bày tỏ mong muốn tìm một giải pháp ngoại giao cho cuộc khủng hoảng tại Ukraine.
Bất ổn ở Ukraine cần một giải pháp chính trị (Ảnh: AP) |
Thông báo của Văn phòng Thủ tướng Anh cho biết, Tổng thống Nga Putin nhất trí rằng một Ukraine ổn định nằm trong lợi ích chung của cả Nga và châu Âu, đồng thời cho biết ông sẽ thảo luận về các đề xuất liên quan tới nhóm tiếp xúc với Ngoại trưởng Sergei Lavrov.
Tuyên bố của Thủ tướng Anh đã được Ngoại trưởng Anh William Hague đưa ra trong cuộc họp với báo giới: “Chúng tôi sẽ tiếp tục các nỗ lực ngoại giao trong những ngày tới nhằm đưa Nga và Ukraine có thể bước vào bàn đàm phán, dưới sự bảo trợ của các quốc gia trên thế giới, trong đó có Anh. Điều quan trọng là phía Nga phải mở lối cho đàm phán”.
Cùng ngày, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Đức Angela Merkel cũng có cuộc điện đàm thảo luận về quan hệ song phương và cuộc khủng hoảng tại Ukraine. Nhà lãnh đạo Trung Quốc cho rằng tình hình tại Ukraine rất phức tạp và đặc biệt nhạy cảm, cần phải xem xét các yếu tố khác nhau để giải quyết cuộc khủng hoảng này. Ông kêu gọi tất cả các bên liên quan kiềm chế và tìm kiếm một giải pháp chính trị thông qua đối thoại và thương lượng trong khuôn khổ luật pháp và quy định quốc tế, tránh làm leo thang tình hình căng thẳng.
Trong một diễn biến liên quan, phát biểu tại một sự kiện của truyền thông Đức, cựu Thủ tướng Đức Gerhard Schroder đã gọi chính sách về Ukraine của Liên minh châu Âu (EU) là “một sai lầm”. Liên minh châu Âu đã đặt Ukraine, quốc gia vốn có văn hóa chia rẽ, vào tình thế “phải lựa chọn” khi hối thúc nước này ký một thỏa thuận liên kết.
Theo cựu quan chức này, chính sách “cả Nga và Liên minh châu Âu” sẽ là hợp lý hơn với Ukraine bởi Ukraine cần có quan hệ đối tác với cả hai bên. Ông Schroder cũng lên tiếng ủng hộ Thủ tướng Đức Merkel và Ngoại trưởng Frank-Walter Steinmeier trong các nỗ lực nhằm tìm kiếm đối thoại với Nga.
Ngày 9/3, Nhà Trắng thông báo đầu tuần này, Thủ tướng tạm quyền Ukraine Arseny Yatsenyuk sẽ tới Mỹ để thảo luận về những diễn biến mới liên quan tới tình hình Ukraine, nhất là tại bán đảo Crimea./.