Trong bối cảnh chính phủ lâm thời tại Ukraine đang cố gắng ngăn chặn việc nước Cộng hòa tự trị Crimea bỏ phiếu về qui chế tự trị của khu vực này vào ngày 16/3 tới , có thêm nhiều khu vực miền Đông Ukraine lên tiếng đòi tiến hành trưng cầu ý dân về qui chế tự trị. Mỹ và các nước phương Tây ngày 8/3 tuyên bố sẽ đưa ra các biện pháp mới nhằm gây sức ép vào Nga nếu nước này không làm giảm căng thẳng tại quốc gia Đông Âu này.

Ngày 8/3, gần 3.000 người đã tập trung biểu tình tại quảng trường Lenin ở trung tâm thành phố Donetsk đòi tiến hành trưng cầu ý dân về qui chế vùng Donbas. Những người biểu tình thuộc nhiều lực lượng chính trị và tổ chức xã hội khác nhau, trong đó có Đảng Cộng sản, Đảng “Khối Nga”, phong trào xã hội “Mặt trận miền Đông”. Một số người biểu tình cầm cờ Nga, mang theo các biểu ngữ: “Nhân dân ủng hộ trưng cầu ý dân”, “Donbas – Nga”. 

uk_copy.jpg
Những người ủng hộ Nga tại Crimea biểu tình ủng hộ việc Crimea sáp nhập vào Nga (Ảnh AP)

Cùng ngày, hơn 2.000 người đã tụ tập tại quảng trường Tự do ở Kharkov, yêu cầu lãnh đạo địa phương từ chức, đồng thời ủng hộ việc tiến hành trưng cầu ý dân về qui chế của tỉnh này. Trong khi đó, quyền Thị trưởng thành phố Sevastopol cho biết, sau cuộc trưng cầu ý dân, Sevastopol có thể sáp nhập vào Nga như một thực thể riêng rẽ. Sevastopol sẽ tiến hành cuộc trưng cầu ý dân cùng với Crimea, song nếu sáp nhập vào Nga sẽ có 2 chủ thể: Sevastopol và Crimea.

Chính phủ lâm thời Ukraine cùng Mỹ và các nước phương Tây cương quyết phản đối chia tách Crimea cho rằng việc nước Cộng hòa tự trị này tiến hành bỏ phiếu là vi phạm Hiến pháp và Luật quốc tế. Tuy nhiên, Chính quyền Crimea tuyên bố sẽ thực hiện cuộc trưng cầu ý dân theo kế hoạch.

Phát biểu sau khi lực lượng tự vệ Crimea bắn cảnh báo khi các quan sát viên quân sự của Tổ chức OSCE định đặt chân lên nước cộng hòa tự trị này, người đứng đầu Hội đồng tối cao Crimea ông Vladimir Konstantinov cho biết, khu vực không tiếp đón đoàn quan sát viên này: “Chúng tôi là một nước cộng hòa tự trị, chúng tôi không tiếp đón những quan sát viên này bởi vì họ không đứng về phía người dân địa phương. Chúng tôi thực sự không tin tưởng họ vì  họ luôn làm tình hình tại đây bất ổn thêm”.

Trước những diễn biến tại Ukraine, Tổng thống Mỹ và Tổng thống Pháp ngày 8/3 đã cảnh báo về “các biện pháp mới” nhằm vào Nga, nếu nước này không đưa ra các bước đi làm giảm căng thẳng tại Ukraine. Trong cuộc điện đàm ngày 8/3, hai nhà lãnh đạo nhấn mạnh sự cần thiết của việc Nga rút quân triển khai tại Crimea từ cuối tháng 2 và làm mọi điều để triển khai lực lượng quan sát viên quốc tế tại khu vực này.

Pháp và Mỹ khẳng định, nếu thiếu các bước đi định hướng này, các biện pháp mới sẽ được đưa ra, ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa cộng đồng quốc tế và Nga-điều mà không ai được lợi. Trong khi đó, phương tiện truyền thông Đức cho biết, Thủ tướng Đức Angela Merkel cũng cảnh báo sẽ không tham dự Hội nghị thượng đỉnh nhóm các nền kinh tế phát triển hàng đầu (G8) vào tháng 6 tới tại Nga nếu cuộc trưng cầu ý dân về quy chế tương lai của Crimea vẫn diễn ra.

Phản ứng trước sức ép của Mỹ và phương Tây, Nga cho rằng nguyên nhân dẫn đến tình huống phức tạp hiện nay tại Ukraine chính là do phương Tây đã không thực hiện các thỏa thuận ký ngày 21/2 giữa Tổng thống bị phế truất V.Yanukovych và đại diện phe đối lập.

Phát biểu tại cuộc họp khẩn cấp của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc ngày 8/3, Đại sứ Nga tại Liên Hợp Quốc Vitaly Churkin cũng kêu gọi một cuộc điều tra toàn diện về những sự kiện lật đổ chính phủ Ukraine trong thời gian qua. Tuy nhiên, phía Nga cũng bày tỏ mong muốn tìm kiếm một giải pháp hòa bình cho cuộc khủng hoảng tại quốc gia Đông Âu này./.