Cuộc đối đầu tồi tệ nhất giữa Nga và phương Tây đã bước sang chương mới khi trong tuần này, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) tuyên bố áp đặt thêm các lệnh trừng phạt khắt khe hơn với Nga với cáo buộc hỗ trợ cho lực lượng đối lập tại miền đông Ukraine.
Đáp lại, Nga cũng đưa ra một loạt đòn phản công trong khi cuộc chiến tại miền Đông Ukraine gần khu vực máy bay MH17 bị bắn rơi vẫn diễn ra căng thẳng.
Các lệnh trừng phạt tăng cường được Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) công bố hôm 29/7 đã giới hạn hoạt động buôn bán vũ khí và thiết bị cho ngành dầu mỏ cũng như cấm các ngân hàng nhà nước của Nga tham gia thu hút vốn đầu tư từ thị trường phương Tây.
Trong phản ứng mới nhất, Nga ngày 30/7 đã cảnh báo, những biện pháp trừng phạt mới nhất mà Liên minh châu Âu tung vào Nga đi ngược lại với quy tắc của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và sẽ gây hậu quả với chính các nước trong Liên minh châu Âu. Bộ Ngoại giao Nga khẳng định, nước này sẽ vượt qua những khó khăn về kinh tế do các biện pháp trừng phạt mới gây ra bằng việc tăng cường nền kinh tế tự cung tự cấp.
Các chuyên gia kinh tế của Nga cho rằng, các biện pháp trừng phạt của Mỹ và châu Âu không phải là thảm họa đối với nền kinh tế của Nga. Ông Alexei Devyatov – nhà kinh tế trưởng tại URALSIB của Nga cho biết: "Các lệnh trừng phạt của Mỹ và Liên minh châu Âu không phải là thảm họa đối với nền kinh tế Nga. Tại thời điểm này, vẫn chưa có sự chắc chắn đối với các công ty sẽ bị ảnh hưởng bởi lệnh trừng phạt và các giao dịch sẽ bị hạn chế” .
Ông Alexei Devyatov nói: “Các nước phương Tây đang rất thận trọng về việc chọn các biện pháp trừng phạt để đảm bảo rằng họ giảm thiểu thiệt hại đối với họ. Ở đây là ngành công nghiệp khí đốt không chịu sự trừng phạt bởi vì họ phụ thuộc vào nguồn khí đốt của Nga”.
Trong động thái trả đũa mới nhất, ngày 30/7, Nga đã cấm nhập khẩu các loạt trái cây và rau quả từ Ba Lan; đồng thời nhấn mạnh, lệnh cấm sẽ được mở rộng tới các nước trong khối Liên minh châu Âu.
Như vậy, cuộc khủng hoảng ở Ukraine đang chứng kiến cuộc đối đầu Đông-Tây nghiêm trọng nhất kể từ sau thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Mỹ và phương Tây liên tục đổ lỗi cho cho Nga đã gây ra cuộc khủng hoảng chính trị nghiêm trọng tại Ukraine cũng như tình hình bất ổn ở miền Đông Ukraine hiện nay.
Trong những lần trước, Mỹ và EU chủ yếu tung ra những đòn trừng phạt như cấm cấp visa và phong tỏa tài sản của một số cá nhân, công ty của Nga. Đây chủ yếu là những biện pháp trừng phạt mang tính hình thức, không mấy ảnh hưởng đến Nga. Tuy nhiên, trong lần mới nhất gần đây, Mỹ và Liên minh châu Âu đã cùng tung ra những đòn trừng phạt cứng rắn nhất khi nhằm vào các lĩnh vực kinh tế then chốt của Nga.
Nhiều nhà phân tích cho rằng, Mỹ và Liên minh châu Âu đang “đục nước béo cò”, lợi dụng vụ tai nạn máy bay MH17 để đánh gục Nga. Việc Mỹ và Liên minh châu Âu gia tăng trừng phạt Nga trong lúc này là không khả thi, vì công việc các bên cần tập trung hiện nay là giải bài toán MH17.
Trong tuyên bố đưa ra ngày 30/7, Thủ tướng Australia Tony Abbott khẳng định, ưu tiên là việc tiếp cận hiện trường vụ máy bay mang số hiệu MH17 chứ không phải là trừng phạt Nga.
Thủ tướng Australia nhấn mạnh, thực tế cho thấy, xung đột giữa lực lượng đối lập và quân đội Kiev đang ngăn cản nỗ lực tiếp cận hiện trường của các nhóm điều tra quốc tế trong nhiều ngày qua. Vấn đề cần quan tâm hiện nay là các bên cần ngồi lại để tìm kiếm lệnh ngừng bắn cho đông Ukraine, tạo điều kiện tìm ra kẻ đã gây ra thảm họa máy bay MH17.
Nga, Ukraine, đại diện Tổ chức An ninh và Hợp tác Châu Âu (OSCE) và các tổ chức nhân quyền ngày 31/7 gặp nhau tại Belarus nhằm bàn về vấn đề này và dư luận hy vọng, những cái đầu đầy toan tính chính trị có thể sẽ đi đến một điểm chung nhân đạo./.