Căng thẳng Đông-Tây về vấn đề Ukraine đang tiềm ẩn nguy cơ tái diễn “Chiến tranh lạnh” sau khi Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) quyết định tạm đình chỉ hợp tác quân sự với Nga để phản đối việc Nga tiếp nhận Crimea.

nato%20mo%20rong%20ve%20phia%20dong.jpg
NATO mở rộng về phía đông (ảnh: NATO.int)

Chính phủ Mỹ cũng tuyên bố tạm dừng các tham vấn với Nga trong lĩnh vực phòng thủ tên lửa (NMD). Việc Mỹ và các đồng minh gia tăng sức ép và cô lập Nga có thể sẽ gây ra hậu quả nghiêm trọng do Nga là đối tác không thể thiếu trong giải quyết các vấn đề nóng trên toàn cầu.

Cùng với quyết định của NATO về việc tạm ngừng toàn bộ hợp tác dân sự và quân sự với Nga do vấn đề Crimea, Chính phủ Mỹ hôm qua (2/4) cũng thông báo tạm dừng các tham vấn với Nga trong lĩnh vực phòng thủ tên lửa (NMD).

Phó trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ về chính sách hạt nhân và phòng thủ tên lửa Elaine Bunn cho biết Lầu Năm góc sẽ một lần nữa nghiên cứu xem các tiếp xúc trên có phù hợp với lợi ích an ninh quốc gia của Mỹ và các đồng minh hay không.

Bà Elaine Bunn cũng khẳng định Mỹ không chấp nhận bất cứ hạn chế nào trong vấn đề NMD và sẽ tiếp tục kế hoạch mở rộng các hệ thống lá chắn tên lửa tại châu Âu, khu vực châu Á-Thái Bình Dương và tại vùng Trung Đông. Đại diện Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết trong tình hình bất ổn tại Ukraine, Mỹ tiếp tục thảo luận với các đồng minh về khả năng tăng cường lực lượng NATO và tăng cường an ninh tại châu Âu.

Phản ứng với quyết định của NATO về tạm ngừng hợp tác với Nga, Nga cho rằng đây là biểu hiện “khơi mào” chiến tranh lạnh.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga hôm qua nhấn mạnh, quyết định của NATO không mang lại lợi ích cho bất kỳ bên nào: “Việc hoãn hợp tác với Nga không mang lại lợi ích trong việc ngăn chặn các mối đe dọa hiện nay, các thách thức về an ninh của châu Âu và toàn cầu, đặc biệt là trong lĩnh vực chống khủng bố, cướp biển, phòng chống thảm họa thiên tai…”.

Phái viên Nga tại NATO Alexander Grushko cũng cho rằng những dấu hiệu cơ bản của một cuộc chiến tranh lạnh đã "thức giấc" trong NATO.

Giới tướng lĩnh NATO cáo buộc Nga tập trung lực lượng cần thiết ở biên giới Ukraine và có đủ khả năng “thôn tính” nước láng giềng chỉ trong 3 đến 5 ngày. Tư lệnh tối cao NATO tại châu Âu - tướng Philip Breedlove hôm qua đưa ra nhận định này và có lẽ đây là cái cớ để NATO gia tăng sức ép và ngừng hợp tác với Nga.

Ngoài ra, NATO còn tổ chức một cuộc tập trận không quân tại các nước Baltic với sự tham gia của 50 máy bay đến từ 9 quốc gia thành viên, bao gồm chiến đấu cơ F-15 của Mỹ, máy bay trinh sát AWACS của NATO.

Nguy cơ về một cuộc chiến tranh lạnh mới đang xuất hiện ở châu Âu, mà cụ thể là ở khu vực biên giới của Nga. Nếu lực lượng quân sự thuộc khối NATO chuyển đến phía tây Ukraine hoặc thậm chí đến biên giới Ba Lan theo như những lời kêu gọi của một số chính trị gia phương Tây, Nga có thể sẽ điều quân của mình tới phía đông Ukraine.

Giới phân tích cho rằng, việc phương Tây ngừng hợp tác quân sự và cô lập Nga cũng có thể gây ra hậu quả rất lớn. Bởi Nga hiện là đối tác quan trọng của Mỹ và phương Tây trong giải quyết các vấn đề toàn cầu như chống khủng bố, chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt, tình hình Afghanistan, vấn đề hạt nhân Iran, cuộc chiến Syria…

Bên cạnh đó, Nga hiện vẫn là nhà cung cấp năng lượng hàng đầu cho châu Âu, do vậy dù quan hệ chính trị căng thẳng thế nào thì châu Âu khó có thể sống thiếu khí đốt từ Nga. Phó Thủ tướng Đức kiêm Bộ trưởng Kinh tế và Năng lượng Sigmar Gabriel mới đây cho rằng, Liên minh châu Âu (EU) sẽ tiếp tục nhập khẩu khí đốt của Nga và hiện chưa có lựa chọn thay thế nào khác. Ông nhấn mạnh, ngay trong thời kỳ “Chiến tranh lạnh”, Nga vẫn thực hiện các hợp đồng bán khí đốt cho châu Âu./.