Chính phủ Nga ngày 28/7 thông báo những biện pháp đáp trả ngoại giao đầu tiên sau khi hai viện Quốc hội Mỹ lần lượt thông qua dự luật siết chặt biện pháp trừng phạt nhằm vào nước này liên quan tới các cuộc khủng hoảng tại Ukraine và Syria.

dai_su_quan_my_o_nga_sputnik_pqwu.jpg
Đại sứ quán Mỹ tại Moscow. (Ảnh: Sputnik)

Trong phản ứng đầu tiên, Bộ Ngoại giao Nga hôm qua ra thông báo cho biết, sẽ tạm dừng cho phép Đại sứ quán Mỹ ở Nga sử dụng biệt thự ở khu Serebryannyi Bor và các khu nhà kho tại phố Doroznaya ở thủ đô Moscow từ ngày 1/8/2017, đồng thời yêu cầu Mỹ giảm số nhân viên các cơ quan ngoại giao và lãnh sự Mỹ tại Nga xuống còn 455 người.

Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Nga cũng nhấn mạnh, dự luật mới mà Thượng viện Mỹ vừa thông qua “một lần nữa xác nhận tính chất hiếu chiến của Mỹ trong công việc quốc tế, và rõ ràng Mỹ đã phớt lờ quan điểm và lợi ích của các quốc gia khác”. Hành động của Nga là tất yếu sau một loạt động thái thù địch từ phía Mỹ, bao gồm các biện pháp trừng phạt "trái pháp luật" cũng như các cáo buộc sai sự thật chống lại Nga.

“Những biện pháp trừng phạt này là trái với luật pháp quốc tế, vi phạm những nguyên tắc và quy định thương mại quốc tế của Tổ chức Thương mại thế giới”, Tổng thống Nga Vladimir Putin nói.

Ông Putin khẳng định: “Chúng tôi vẫn luôn cho thấy sự kiềm chế và kiên nhẫn của mình. Song đến một thời điểm nào đó, chúng tôi sẽ buộc phải đáp trả, không thể tiếp tục ngồi yên trước những hành vi tấn công liên tục vào đất nước. Tuy nhiên điều này sẽ còn phụ thuộc vào phiên bản cuối cùng của dự luật đang được thảo luận hiện nay”.

Cũng trong ngày hôm qua, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã có cuộc thảo luận qua điện thoại người đồng cấp Mỹ Rex Tillerson về những căng thẳng mới nhất trong quan hệ ngoại giao hai nước.

Tại cuộc điện đàm, Ngoại trưởng Nga nhấn mạnh việc Nga đáp trả các biện pháp trừng phạt của Mỹ là việc không hề mong muốn, bởi Nga luôn hướng tới cải thiện quan hệ hai nước và hành xử đúng mực.

Tuy nhiên, chính sách của Mỹ nằm trong tay một bộ phận chính khách mang tư tưởng chống Nga và đang đẩy Mỹ theo con đường đối đầu. Ngoại trưởng Nga cũng tái khẳng định, Nga sẵn sàng bình thường hóa quan hệ với Mỹ cũng như hợp tác với Mỹ trong các vấn đề quốc tế và điều này chỉ có thể đạt được trên cơ sở bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau và cân bằng lợi ích giữa hai bên.

Những động thái này diễn ra không lâu sau khi Thượng viện Mỹ hôm 27/07 thông qua dự luật trừng phạt Nga, với số phiếu gần như tuyệt đối. Mục đích hàng đầu của các nghị sĩ Mỹ thông qua văn kiện này là để “trả đũa” Nga vì chiến dịch mà nước này cho là bôi nhọ và tin tặc nhằm vào các cuộc tranh cử tại Mỹ hồi năm ngoái và sau đó là việc Nga sáp nhập Crimea, cũng như sự can dự của Nga trong cuộc khủng hoảng Ukraine và Syria.

Văn kiện này của Mỹ không chỉ vấp phải sự phản đối của Nga, mà cả Liên minh châu Âu (EU) và Trung Quốc do lo ngại ảnh hưởng tiêu cực đối với “những lợi ích của mình”

Ngoại trưởng Đức Sigmar Gabriel cảnh báo, châu Âu sẽ không chấp nhận việc những biện pháp trừng phạt mới này ảnh hưởng tới các doanh nghiệp tại châu Âu. Hiện dự luật đã được gửi tới Tổng thống Donald Trump để được ký thành luật.

Dù vẫn được biết tới là người có lập trường khá mềm dẻo với Nga, nhiều lần thể hiện mong muốn cải thiện quan hệ giữa hai nước, song gần như chắc chắn ông chủ Nhà trắng sẽ bỏ qua quyền phủ quyết của mình để thông qua văn kiện. Bởi dù có sử dụng đặc quyền đó hay không thì ông cũng khó có thể tập hợp được sự đủ 2/3 số ý kiến ủng hộ để có thể lật lại quyết định của các nhà lập pháp./.