Liên minh châu Âu (EU) ngày 22/7 phát đi một cảnh báo mới đối với Mỹ về những hậu quả không mong muốn nếu chính quyền Tổng thống Donald Trump cố tình không hợp tác với khối này và nhóm G7 trong vấn đề tăng cường trừng phạt Nga.
Quan hệ giữa Nga và Mỹ vốn chưa bao giờ "đơn giản". Ảnh minh họa: Getty. |
Phản ứng mạnh mẽ của Liên minh châu Âu đưa ra sau khi Quốc hội Mỹ đạt được dự luật mới cho phép áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với Nga, với cáo buộc nước này gây ra cuộc khủng hoảng miền Đông Ukraine và can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ hồi tháng 11 năm ngoái.
Thỏa thuận mà các nghị sĩ Đảng Dân chủ và Cộng hoà đạt được về việc cho phép áp dụng các biện pháp trừng phạt mới với Nga và cả Iran, Triều Tiên được cho là sẽ đặt Tổng thống Donald Trump vào một tình thế khó xử khi không chỉ các nỗ lực cải thiện quan hệ với Nga của ông bị cản trở mà bản thân ông Trump cũng chịu áp lực ngày càng lơn từ các đồng minh ở phương Tây.
Trong một tuyên bố chính thức đưa ra hôm 22/7, Ủy ban châu Âu (EC) đã cảnh báo rằng, việc Mỹ áp đặt các lệnh trừng phạt mới nhằm vào Nga mà không hợp tác với các quốc gia G7 có thể để lại "những hậu quả to lớn và không lường trước được".
Người phát ngôn EC cảnh bảo, châu Âu lo ngại các biện pháp đang được bàn bạc tại Quốc hội Mỹ có thể gây ra những hậu quả khôn lường, không chỉ với khối đoàn kết các nước G7 mà còn với lợi ích an ninh năng lượng và kinh tế Liên minh Châu Âu. Ảnh hưởng của biện pháp trừng phạt có thể rất rộng , bao gồm cả nỗ lực đa dạng hoá nguồn năng lượng của châu Âu.
Ngoài ra, tuyên bố của châu Âu nhấn mạnh các biện pháp trừng phạt chỉ đạt hiệu quả cao nhất khi có sự phối hợp thực hiện chặt chẽ giữa các đối tác.
Theo đánh giá của khối này, tác động thực tế của các biện pháp trừng phạt Nga đã tăng lên và thông qua sự phối hợp, các bên có thể tránh được những tình huống bất ngờ không mong muốn và kiểm soát những vấn đề ảnh hưởng đến quá trình vận hành kinh tế. EU kêu gọi giới chức, Quốc hội Mỹ phối hợp với các đối tác, bao gồm EU, đảm bảo có sự hợp tác xuyên suốt và phòng tránh được những hậu quả khôn lường.EU hối thúc Mỹ hợp tác trong vấn đề trừng phạt Nga
Theo giới chuyên gia, sở dĩ EU sốt ruột trước các biện pháp trừng phạt mới của Mỹ là do nhiều công ty năng lượng châu Âu có thể sẽ bị tác động tiêu cực. Châu Âu lo ngại rằng, lệnh trừng phạt của Mỹ nhằm vào đường ống dẫn khí đốt, đặc biệt là dự án Dòng chảy phương Bắc 2, sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhiều quốc gia trong bối cảnh Châu Âu vẫn đang phụ thuộc vào nguồn năng lượng do Nga cung cấp.
Chính vì thế, trong một tuyên bố mới đây, Ngoại trưởng Đức Sigmar Gabriel đã chỉ trích dự định của Quốc hội Mỹ thông qua biện pháp trừng phạt mới chống Nga vì các quốc gia châu Âu cũng bị ảnh hưởng từ chính sách này.
“Thông qua các biện pháp trừng phạt mới này, thì phía Mỹ đang dồn ép Nga, đẩy các công ty khi đốt của Nga ra khỏi thị trường châu Âu và buộc các khách hàng châu Âu mua khí đốt của Mỹ với giá cao. Điều này đang gây phương hại đến lợi ích của châu Âu”, ông Gabriel nói.
Giới phân tích cho rằng, Liên minh châu Âu mong đợi sự hợp tác và hỗ trợ từ phía Mỹ bởi đến nay khối này chưa thực sự muốn nới lỏng cơ chế trừng phạt Nga.
Tuy nhiên, thực tế lại cho thấy rằng chính quyền Mỹ dường như đang tìm cách thâu tóm thị trường năng lượng thế giới và khả năng sẽ ép châu Âu mua dầu với giá đắt đỏ. Vì thế, động thái trừng phạt vào “mạch máu”của Nga và phớt lờ hợp tác với liên minh châu Âu của Mỹ sẽ khiến niềm tin của Mỹ và EU bị lung lạc nghiêm trọng và không loại trừ khả năng EU sẽ có những động thái để lợi ích của họ ít bị phương hại nhất./.