AFPdẫn lời ông Zamir Kabulo, quan chức Bộ Ngoại giao Nga phụ trách Afghanistan khẳng định: “Những cáo buộc đó là hoàn toàn sai lầm. Những lời lẽ thêu dệt đó của Mỹ là nhằm bao biện cho thất bại của các chính trị gia và tướng lĩnh Mỹ trong cuộc chiến tại Afghanistan. Sẽ không có cách giải thích nào khác cho việc này”.

taliban_keov.jpg
Các chiến binh Taliban bị Mỹ tố nhận được sự ủng hộ cả về trang bị vũ khí và chính trị từ Nga. Ảnh: Reuters

Hồi những năm 90 của thế kỷ trước, Nga từng coi Taliban là một tổ chức khủng bố và sát cánh cùng Mỹ và NATO chống lại tổ chức này tại Afghanistan.

Tuy nhiên, sau đó, Nga bắt đầu thay đổi thái độ và cho biết, nước này có liên hệ “một cách hạn chế” với Taliban để thuyết phục tổ chức khủng bố này ngồi vào bàn đàm phán với Chính phủ Afghanistan. Đến tháng 12/2005, Nga đã lần đầu tiên lên tiếng thừa nhận “lợi ích của Taliban cũng trùng khớp với Nga” trong cuộc chiến chống lại tổ chức khủng bố IS.

Trước đó, trong phiên điều trần trước các nghị sĩ Mỹ tại Washington ngày 23/3, Tướng Curtis Scaparrotti, Tư lệnh Tối cao Liên minh Quân sự NATO, đã cảnh báo về việc Nga gia tăng tầm ảnh hưởng tại rất nhiều khu vực trên thế giới, trong đó có Afghanistan.

Phát biểu trước Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ, ông Scaparrotti lên tiếng cáo buộc rằng, Nga “nhiều khả năng” đã cung cấp vũ khí đạn dược cho Taliban.

Hồi tháng 2, Tướng John Nicholson, Tư lệnh các lực lượng của NATO tại Afghanistan cũng cho rằng, Nga đang ủng hộ Taliban và tìm cách cung cấp vỏ bọc về ngoại giao cho chúng để làm giảm tầm ảnh hưởng của Mỹ tại Afghanistan và giúp chúng đánh bại NATO.

Trong khi đó, ngày 23/3, các tay súng Taliban đã chiếm được quận chiến lược Sangin từ tay binh sĩ Anh và Mỹ tại đây và khiến họ chịu tổn thất nặng nề.

Các thủ lĩnh Taliban từng tuyên bố, họ thường xuyên liên lạc với Nga ít nhất là từ năm 2007. Tuy nhiên, họ khẳng định rằng, Chính phủ Nga chỉ ủng hộ Taliban về “mặt chính trị và tinh thần”./.