Một hạ sĩ thuộc đơn vị Kỵ binh Household tinh nhuệ của Anh hiện giữ kỷ lục về phát súng tiêu diệt địch ở cự ly xa nhất trong lịch sử chiến tranh. Hạ sĩ Craig Harrison là biểu tượng của lục quân Anh với phát súng bắn ở cự ly 2.475m giúp cứu mạng sống của đồng đội. Khi đó Harrison tham gia bảo vệ đoàn xe quân sự Anh ở Afghanistan vào tháng 11/2009.
Harrison đang ở phía sau đoàn xe khi anh phát hiện một đội súng máy gồm 2 tên Taliban đang bắt đầu nhả đạn vào các xe đi trước. Chúng đã lên kế hoạch phục kích rất cẩn thận. Hai tên phiến quân sử dụng một khẩu súng máy PKM có khả năng xuyên phá rất mạnh. Tình hình lúc này trông chờ vào Harrison cùng khẩu súng trường bắn tỉa tầm xa L115A3 của anh.
Đoàn xe gồm vài chiếc xe quân sự Jackal bị bắn dữ dội. Chiếc xe Jackal của Harrison nằm ở phía sau hơn 1km. Anh nhảy khỏi xe và nấp trong một tòa nhà gần đó để có thể bắn tỉa mà không bị phát hiện. Harrison lôi người lái xe theo mình để hỗ trợ phát hiện mục tiêu dù cho quân nhân này không được huấn luyện để làm điều đó.
Tính toán đường đạn
Có lẽ việc huấn luyện chuyên nghiệp cũng không cải thiện kết quả lần bắn này vì tình huồng này chưa bao giờ anh gặp phải trước đó. Lần này anh phải dựa vào kỹ năng tính toán đạn đạo.
Hai tên Taliban nằm cách vị trí của Harrison khoảng 2,5km, nằm ngoài tầm bắn hiệu quả của khẩu súng anh cầm là 457m. Tuy nhiên anh vẫn quyết định bắn, tính toán tốc độ gió và tất cả các yếu tố khác ảnh hưởng đến đường đi của viên đạn.
Harrison buộc phải nhắm bắn vào một điểm cao hơn mục tiêu khoảng 122m, tương đương độ cao của một tòa nhà 40 tầng.
Anh tính toán đường đạn trong một thời gian ngắn kỷ lục, tính cả lực hút của trái đất và việc mất gia tốc đầu nòng, trong khi chịu áp lực của việc có thể mất mạng hoặc không kịp cứu đồng đội.
Khẩu súng trường bắn tỉa tầm xa L115A3. Ảnh: Andrew Linnett. |
Viên đạn đầu tiên thật hoàn hảo. Nó găm trúng bụng tên Taliban trực tiếp bắn súng máy. Phát thứ 2 kế tiếp (có điều chỉnh một chút) kết liễu tên lính Taliban thứ 2. Để không kẻ nào nữa có thể dùng súng máy PKM, Harrison bắn thêm phát thứ 3, xé nát khẩu súng này.
Mỗi viên đạn mất 3 giây để đi tới mục tiêu. Điều này cho thấy khoảng cách mà viên đạn đã đi.
Trong một cuộc phỏng vấn với Daily Mail, Harrison nhớ lại rằng anh đã phải đợi khoảng 6 giây để xác nhận liệu phát đạn bắn đi có thành công hay không.
Khỏi phải nói, nhóm phục kích của Taliban lúc đó bất ngờ và hoảng hồn như thế nào khi thấy gã bắn súng máy của chúng đã bị diệt bằng súng bắn tỉa ở cự ly xa đến như vậy. Cuộc phục kích bị đẩy lui và đoàn xe được bảo đảm an toàn.
Thời gian tác chiến ở Afghanistan còn ghi nhận thêm hơn 20 vụ bắn tỉa thành công khác đã được xác nhận của Harrison. Anh bị thương vài lần, bao gồm một vết thương ở đầu. Có lần anh bị gãy cả hai tay khi xe chở anh vấp phải một quả mìn.
10 tay súng bắn tỉa nguy hiểm nhất Thế chiến thứ 2
Ấy thế nhưng những vết thương thể xác này chẳng ảnh hưởng gì đến chiến công của Harrison. Người ta ghi lại được rằng mỗi lần bị thương, anh vẫn nỗ lực đóng góp cho trận chiến ở mức có thể. Harrison thể hiện một tinh thần quả cảm đặc biệt khi bước vào mỗi trận chiến.
Hạ sĩ Harrison đã phá vỡ kỷ lục của một tay súng bắn tỉa người Canada, tên là Rob Furlong, lập vào năm 2002 với cự ly bắn là 2.430m. Trước Furlong, kỷ lục thuộc về một người Canada khác, tên là Arron Perry, anh này đã diệt mục tiêu ở cự ly 2.310m – thành tích được xác lập trước kỷ lục của Furlong có vài ngày. Tuy nhiên Perry đã phá kỷ lục do một cựu binh Mỹ giữ trong suốt 34 năm, Carlos Hathcock. Hiện kỷ lục của Harrison chưa bị ai phá.
Bi kịch trong lòng của xạ thủ bắn tỉa
Hoàn toàn có thể coi Craig Harrison là một anh hùng tiêu biểu của quân đội Anh. Thế nhưng Harrison lại xuất hiện trên truyền thông thể hiện thái độ thất vọng của anh trong Lục quân Anh và kể về rối loạn stress sau chấn thương của mình.
Các thông số của súng bắn tỉa L115A3. Ảnh: Daily Mail. |
Bộ Quốc phòng Anh đã đền bù cho Harrison 100.000 bảng Anh vì đã tiết lộ danh tính của anh với truyền thông ngoài ý muốn của chính anh, khiến cho Harrison đứng trước nguy cơ bị al-Qaeda bắt cóc. Lực lượng khủng bố này có nhiều lý do để treo giải lấy thủ cấp của anh. Harrison được nghỉ ốm dài hạn và sau đó được cho ra quân vào năm 2014.
Sau khi giải ngũ, anh tuyên bố: “Tôi đã gia nhập quân đội từ khi 16 tuổi… Tôi cảm thấy bị ruồng rẫy, hoàn toàn bị bỏ rơi bởi chính trung đoàn của tôi… Tôi đã có 22 năm trung thành với trung đoàn đó, mang sinh mệnh mình ra trước trận tiền, và rồi họ bỏ mặc tôi như vậy. Niềm tin của tôi vào con người, vào quân đội đã biến mất”.
Harrison phục vụ quân đội Anh từ năm 1991 đến 2014. Nghĩa vụ quân sự lâu đến ngần ấy thời gian đã để lại những vết sẹo lâu dài trong tâm lý của người lính bắn tỉa này. Trong một cuộc phỏng vấn với đài BBC, Harrison kể rằng anh thường xuyên nhìn thấy gương mặt của những kẻ đã bị anh bắn chết – đây là rối loạn tâm thần phổ biến ở những tay súng bắn tỉa.
Craig Harrison đã viết một cuốn sách về thời chinh chiến của mình, có nhan đề “Phát đạn xa nhất”. Trong cuốn này, anh kể rằng mình đã bị hội chứng rối loạn căng thẳng sau chấn thương đẩy tới bờ vực của sự tự sát./.