Tổng Thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), tướng Jens Stoltenberg ngày 26/2, cho biết Tổ chức này đã sẵn sàng tư vấn cho chính phủ được công nhận ở Libya về các vấn đề quốc phòng, an ninh.

Ông Stoltenberg đồng thời cảnh báo tình hình ngày càng xấu đi ở quốc gia ở cửa ngõ vào châu Âu này đang đặt ra mối đe dọa an ninh mới cho phương Tây và điều này đòi hỏi sự phòng thủ mạnh hơn nữa  về quốc phòng. 

nato_blhe_szyz.jpgTổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg (ảnh: Reuters)

Phát biểu tại cuộc họp báo ở Roma, Tổng Thư ký NATO Stoltenberg bày tỏ lo ngại rằng, bất ổn chính trị tại Libya đang trở nên hết sức lo ngại khi các phe phái chính trị đối địch trong nước vẫn không chịu thỏa hiệp. Bạo lực diễn ra khắp nơi cướp đi sinh mạng của hàng trăm người dân vô tội và buộc hàng triệu người khác một lần nữa phải rời bỏ đất nước đi lánh nạn.

Trong khi đó, lợi dụng sự hỗn loạn, bất ổn chính trị trong nước, các nhóm khủng bố cực đoan đã trỗi dậy và thiết lập đại bản doanh của chúng. Ông Stoltenberg dẫn những bằng chứng cho thấy, đã có sự hiện diện của Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tại Libya.

Trước tình hình hết sức lo ngại ở Libya và mối đe dọa khủng bố đang hiện hữu ở Trung Đông, Tổng thư ký Stoltenberg cam kết rằng Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương này sẵn sàng giúp đỡ Libya theo yêu cầu của chính phủ nước này.

Theo hãng tin AP, bên cạnh việc tư vấn cho chính phủ Libya về lĩnh vực quốc phòng và an ninh, NATO đang lên kế hoạch cho phương án tăng cường giám sát an ninh cho Libya và khu vực Bắc Phi bằng việc sử dụng máy bay không người lái và dự tính đặt trụ sở quân sự tại Sigonelia, đảo Sicillia (Italy) bắt đầu từ năm tới.

Các quốc gia láng giềng như Niger và cộng hòa Sát cũng kêu gọi quốc tế can thiệp quân sự vào Libya để chặn đứng làn sóng thánh chiến, dân tị nạn lẫn vũ khí tràn qua biên giới họ.

Tuy nhiên, chính quyền Tổng thống Pháp Francois Hollande trước đó, thành viên của NATO khẳng định, Pháp sẽ không đơn phương can thiệp vào Libya vì đó là trách nhiệm của cộng đồng quốc tế,  quân đội Pháp sẽ sẵn sàng tấn công những kẻ Hồi giáo cực đoan nếu chúng lẩn trốn tại biên giới Libya. 

Ngoại trưởng Pháp nói: "Về các bất ổn chính trị ở phía nam Libya, tôi cho rằng đây không phải là một tình hình mới. Song chúng tôi vừa biết rằng khu vực này đang xuất hiện một số nhóm Hồi giáo cực đoan có liên kết với Nhà nước Hồi giáo tự xưng ở Syria. Chủ nghĩa khủng bố đang manh nha trỗi dậy tại Libya. Và đây là lý do tại sao cộng đồng quốc tế và Pháp phải hành động. Pháp đã luôn luôn thực hiện trách nhiệm của mình. Tôi cho rằng, cộng đồng quốc tế, Liên minh châu Âu và Pháp nên thực hiện trách nhiệm của mình".

Việc Libya đến nay vẫn không có một chính quyền chính thức cùng với việc quân đội Libya vẫn còn non yếu, thêm vào đó là tình trạng phổ biến vũ khí cũng như sự lan tràn của các nhóm cực đoan, đang biến Libya thành trở thành điểm đến cho những kẻ khủng bố, bởi cũng như Yemen, Libya được cho là mảnh đất màu mỡ nhất, khi mà quốc gia Bắc Phi này đã có sẵn sự hiện diện của các nhóm liên kết với chủ nghĩa khủng bố al-Qaeda./.