Mối nguy cơ ngày càng gia tăng từ phía các nhóm cực đoan đang đe dọa biến Libya thành một Syria thứ 2.
Theo ông Dayri, “thời gian đang rất gấp”. Chủ nghĩa khủng bố không chỉ là mối nguy cơ đối với Libya hay các nước láng giềng, mà là còn là mối nguy cơ đang ngày càng gia tăng đối với châu Âu.
Nếu không có một giải pháp chính trị, đất nước Libya có thể rơi vào một cuộc nội chiến thật sự giống như tại Syria.
Nhóm nổi dậy Nhà nước Hồi giáo (IS) hiện đã chiếm quyền kiểm soát hai thành phố Derna, miền Đông và Sirte, miền Trung.
Hiện đã có mặt tại thủ đô Tripoli, nhóm cực đoan này hồi tháng trước đã tấn công vào một khách sạn có đông các quan chức cấp cao và người nước ngoài ở.
Theo Ngoại trưởng Libya, các tay súng thánh chiến, hiện lên tới 5.000 người, và cũng giống như tại Syria, một số lượng lớn trong số này, đặc biệt là ở những vị trí chỉ huy là người nước ngoài.
Trong phát biểu của mình, Ngoại trưởng Libya cũng nhấn mạnh, chính phủ nước này không ủng hộ một cuộc can thiệp quân sự mới của phương Tây, song ủng hộ việc những nước này tăng cường năng lực của quân đội Libya.
Theo Ngoại trưởng Libya, việc thành lập một chính phủ đoàn kết dân tộc là ưu tiên hàng đầu của Libya chứ không phải chỉ từ sau lời kêu gọi của cộng đồng quốc tế.
Song dù Libya có thể thành lập được chính phủ ngay trong ngày mai, thì quân đội Libya cũng cần được hỗ trợ. Tuy nhiên, tới nay Libya vẫn không nhận được câu trả lời thuyết phục từ Mỹ hay châu Âu, ngoài những đảm bảo rằng sẽ không có một hành động quốc tế hay không có một cuộc can thiệp mới./.