RTdẫn lời người phát ngôn NATO Oana Lungescu ngày 5/1 tuyên bố: “Chúng tôi bác bỏ những cáo buộc vô căn cứ rằng, các chính sách của NATO gây ra mối đe dọa về an ninh cho Moscow”.
Hai chiếc xe tăng M1A2 Abrams của Mỹ tham gia tập trận của NATO. Ảnh Reuters |
Bà Lungescu nhấn mạnh: “Sự mở rộng của NATO không nhằm đe dọa bất kỳ nước nào” và “mỗi quốc gia đều có quyền lựa chọn tham gia một hiệp ước hoặc một liên minh với các nước khác để bảo vệ chủ quyền của mình”.
Cũng theo người phát ngôn Lungescu, NATO đang nghiên cứu Chiến lược An ninh Quốc gia của Nga trong đó coi việc NATO mở rộng lãnh thổ sang khu vực biên giới với Nga là một trong những mối đe dọa an ninh nghiêm trọng.
Tài liệu của Nga nêu rõ, việc NATO liên tục tiến hành quân sự hóa và chạy đua vũ trang tại các nước láng giềng với Nga cho thấy NATO “không tôn trọng nguyên tắc về bình đẳng và không chia rẽ về an ninh” tại các khu vực châu Âu- Đại Tây Dương, Á-Âu và châu Á- Thái Bình Dương.
Mặc dù vậy, tài liệu này khẳng định, Nga vẫn quan tâm đến việc tiến hành các cuộc đối thoại bình đẳng và tạo dựng mối quan hệ tốt đẹp với NATO, Mỹ và EU.
Theo đó, mối quan hệ này cần phải được tạo dựng dựa trên “việc tôn trọng các hiệp ước quốc tế về kiểm soát vũ khí, xây dựng lòng tin, giải quyết vấn đề không phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt cũng như tăng cường hợp tác sâu rộng trong cuộc chiến chống khủng bố và giải quyết các tranh chấp trong khu vực”.
Nga cho biết, kể từ khi Nga sáp nhập Crimea vào năm 2014, NATO đã liên tục tăng cường sự hiện diện quân sự tại các nước Baltic và Đông Âu giáp biên giới với Nga với cáo buộc Nga xâm chiếm Crimea và đứng đằng sau ủng hộ phe đối lập tại miền Đông Ukraine, điều Nga luôn bác bỏ.
Từ cuối tháng 8-9/2015, NATO đã tiến hành cuộc tập trận trên không lớn nhất châu Âu kể từ sau Chiến tranh Lạnh. Cuộc tập trận này có sự tham gia của 5.000 binh sĩ từ 11 quốc gia thành viên NATO.
Ngoài ra, vào tháng 10/2015, NATO cũng tiến hành cuộc tập trận lớn nhất kể từ năm 2002 mang tên Trident Juncture với sự tham gia của 36.000 binh sĩ cùng khoảng 60 tàu chiến và 200 máy bay quân sự đến từ 30 quốc gia, trong đó có cả các quốc gia không phải thành viên của NATO như Australia, Áo, Bosnia và Herzegovina, Phần Lan, Macedonia, Thụy Điển và Ukraine.