Mối quan hệ giữa Nga và NATO lại nổi sóng khi hôm qua (2/12), NATO mời Montenegro trở thành thành viên thứ 29 của Liên minh quân sự này.
NATO Đông tiến. Nguồn: NATO, Đồ họa: AFP. |
Phản ứng trước quyết định của NATO, Nga cảnh báo sẽ có sự đáp trả mạnh mẽ cho những gì mà nước này gọi là mối đe dọa an ninh.
Nga ngay lập tức có phản ứng với việc NATO mở rộng sang phía đông. Hôm qua (2/12), người phát ngôn Điện Kremlin, Nga Dmitry Peskov cho biết, việc NATO tiếp tục mở rộng sang phía Đông sẽ buộc Nga phải có các biện pháp trả đũa.
Trước đó, Nga từng tuyên bố động thái của NATO mở rộng sang khu vực Balkan không giúp thúc đẩy hòa bình và ổn định ở khu vực nói riêng cũng như châu Âu nói chung; trái lại có thể khiến quan hệ giữa Nga và NATO thêm phức tạp.
Nga coi việc NATO tiếp tục mở rộng như vậy là một sai lầm và một sự khiêu khích. Đề cập đến lời mời của NATO với Montenegro gia nhập khối, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết: “Điều quan trọng nhất đó là không từ bỏ nguyên tắc then chốt hình thành nên mối quan hệ cơ bản của Nga đối với NATO, đó là sự bình đẳng và an ninh minh bạch, khi không có nước nào có thể tăng cường an ninh của mình nhưng lại ảnh hưởng đến lợi ích của nước khác. Nếu Tổng thư ký NATO cho phép những điều này xảy ra, chúng tôi sẽ có cuộc gặp với các đối tác NATO và lắng nghe những gì họ muốn nói”.
Đồng thời, Nga cảnh báo sẽ chấm dứt các dự án chung với Montenegro nếu nước này gia nhập NATO.
Hãng thông tấn RIA của Nga trích lời một thượng nghị sĩ nước này cho biết, các dự án có thể bị dừng lại, bao gồm cả các dự án trong lĩnh vực quân sự. Ngoại trưởng Mỹ John Kerry hôm qua khẳng định, quyết định của NATO mở rộng sang các nước Balkan không phải là mối đe dọa với Nga hay bất cứ quốc gia nào khác. Việc mở rộng liên minh này đơn thuần nhằm tăng cường an ninh.
Hội chứng sợ Nga từ xưa là gốc gác Chiến tranh Lạnh hiện đại chống Nga
Lần đầu tiên trong 6 năm qua, NATO mời một thành viên mới gia nhập liên minh quân sự này. Việc trở thành thành viên của NATO có thể là một chiến thắng trong chính sách ngoại giao quan trọng của chính phủ Montenegro.
Tuy nhiên có sự chia rẽ trong dư luận nước này về quyết định gia nhập NATO.
Người đứng đầu Đảng Xã hội nhân dân đối lập tại Montenegro Srdjan Milic bày tỏ mong muốn tổ chức một cuộc trưng cầu ý dân về vấn đề gia nhập NATO và cho rằng hầu hết người dân Montenegro đều phản đối tư cách thành viên NATO.
Đại sứ Serbia tại Nga Slavenko Terzic cũng nhận định, việc Montenegro gia nhập NATO sẽ không đóng góp vào ổn định cho các nước Balkan và khu vực.
Ông Terzic nhấn mạnh, trong trường hợp nước này tổ chức một cuộc trưng cầu ý dân thì phần lớn người dân Montenegro sẽ bỏ phiếu phản đối gia nhập NATO./.