Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ngày 1/12 cam kết ủng hộ quyền bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ đối với Thổ Nhĩ Kỳ sau vụ bắn hạ chiếc Su-24 của Nga.

NATO cũng dự tính điều thêm phi cơ tuần tra và tên lửa tới Thổ Nhĩ Kỳ, giúp nước này tăng cường khả năng phòng thủ ở khu vực biên giới với Syria. 

NATO đã triển khai các tên lửa đất đối không Patriot dọc biên giới Thổ Nhĩ Kỳ hồi tháng 1/2013 để bắn hạ bất cứ tên lửa nào từ cuộc xung đột ở Syria có thể “bay lạc” sang lãnh thổ của đồng minh này. 

Phát biểu ngày 1/12 sau khi kết thúc ngày họp đầu tiên của hội nghị Ngoại trưởng các nước thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg một lần nữa khẳng định sự ủng hộ của liên minh này đối với toàn vẹn lãnh thổ của Thổ Nhĩ Kỳ. 

jens_ubkf.jpg
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg. (ảnh: AFP).

Tuy nhiên, Tổng thư ký NATO cũng kêu gọi các bên xoa dịu căng thẳng sau vụ Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi máy bay chiến đấu của Nga mà họ cho là đã xâm phạm không phận nước này.

Ông Stoltenberg nói: “Thổ Nhĩ Kỳ có quyền bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ và không phận . Sự bình tĩnh và giảm căng thẳng là điều rất cần thiết lúc này. Tôi ủng hộ một cuộc đối thoại trực tiếp giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ về vấn đề này”.

Trong một tuyên bố ngày 1/12, Ngoại trưởng các nước NATO cho rằng, tình hình ở biên giới Thổ Nhĩ Kỳ với Syria và Iraq “vô cùng bất ổn” và cam kết sẽ tăng cường phòng thủ trên không cho Thổ Nhĩ Kỳ như là “biện pháp đảm bảo”.

Việc sử dụng ngôn từ thận trọng cho thấy NATO tránh tạo bầu không khí đối đầu với Nga sau khi Moscow tuyên bố sẽ triển khai đến biên giới Syria giáp với Thổ Nhĩ Kỳ hệ thống phòng thủ tên lửa hiện đại S-400 có thể bắn trúng tên lửa và máy bay chiến đấu ở khoảng cách lên đến 400 km.

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cũng cố gắng tách biệt phản ứng trên của Nga với việc liên minh này dự tính điều thêm phi cơ tuần tra và tên lửa tới Thổ Nhĩ Kỳ giúp nước này tăng cường khả năng phòng thủ ở khu vực biên giới với Syria.

Ông Jens Stoltenberg nêu rõ: “Đây là điều mà chúng tôi đã làm việc rất lâu trước khi xảy ra vụ máy bay Nga bị bắn rơi hồi tuần trước. Nó hoàn toàn tách biệt với sự kiện đó vì chúng tôi đã quyết định điều này và thúc đẩy thực hiện nó trong vài năm qua. Chúng tôi cũng sẽ tiếp tục cung cấp các biện pháp đảm bảo như vậy cho Thổ Nhĩ Kỳ”.

Tổng thư ký NATO cũng cho biết, ông muốn thay đổi các quy tắc quốc tế về quản lý các hoạt động quân sự để có thể tăng cường tính minh bạch và khả năng dự đoán cũng như thúc đẩy cơ chế giảm nguy cơ, tránh để xảy ra các vụ việc tai nạn.

Trong khi đó, hãng thông tấn RT của Nga dẫn lời Đặc phái viên của Nga tại NATO Aleksandr Grushko ngày 1/12 cho biết, ông đã gặp Phó Tổng thư ký NATO Alexander Vershbow để thảo luận về vụ Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi máy bay của Nga.

Tuy nhiên quan chức NATO này không đưa ra bất cứ đánh giá nào về hành động của Thổ Nhĩ Kỳ mà chỉ kêu gọi 2 bên kiềm chế và tiếp xúc trực tiếp để giải quyết.

Đặc phái viên Nga cho rằng, với việc không đưa ra ý kiến về hành động mà ông cho là “cố ý” của Thổ Nhĩ Kỳ, thay vào đó lại thể hiện ủng hộ về mặt chính trị đối với Ankara, NATO đã gián tiếp thừa nhận nhận trách nhiệm về vụ bắn rơi máy bay Su-24 của Nga tuần trước.

Có thể thấy, Thổ Nhĩ Kỳ nhận được sự bảo trợ gần như “vô điều kiện” của NATO về mặt quân sự và chính trị trong tình huống hiện nay. Song dư luận cho rằng, NATO cũng không muốn nuông chiều Thổ Nhĩ Kỳ để dấn thân vào một cuộc chiến tranh lạnh nữa với Nga./.