TheoInternational Business Times, ngày 9/8, trong một bản báo cáo trên tờ The New England Journal of Medicine, một nhóm các nhà nghiên cứu cho biết dịch bệnh chết người Ebola ở châu Phi có thể bùng phát từ một cậu bé 2 tuổi khi bé đã nhiễm virus vào đầu tháng 12/2013 và tử vong vài ngày sau đó.

Kể từ đó đến nay, khoảng 1.000 người ở một số quốc gia Tây Phi đã thiệt mạng do căn bệnh khủng khiếp này trong khi giới y học vẫn chưa tìm được cách để ngăn chặn sự lây lan của dịch.

ebola2tuoi_cmtk.jpgCác nhân viên y tế thu gom thi thể nạn nhân bị nhiễm virus Ebola (Ảnh Reuters)

Tờ International Business Times dẫn tin từ New York Times cho biết, các nhà nghiên cứu đã truy tìm ra nguồn gốc của căn bệnh Ebola từ một bé trai sống ở làng Guéckédou, phía Đông Nam Guinea. Sau khi cậu bé qua đời vào ngày 6/12/2013, lần lượt mẹ, chị gái 3 tuổi và bà của cậu cũng bị nhiễm bệnh và chết. Cả 4 nạn nhân đều bị sốt, nôn mửa và tiêu chảy nhưng không ai biết mình đã nhiễm virus Ebola.

Căn bệnh nhanh chóng vượt ra khỏi phạm vi của làng Guéckédou. Hai người dự đám tang của bà cậu bé cũng bị nhiễm virus Ebola và mang căn bệnh về ngôi làng của họ khiến một nhân viên y tế và một bác sĩ địa phương nhiễm phải. Người thân của các nạn nhân ở các thị trấn khác cũng lần lượt bị nhiễm virus.

Khi dịch bệnh Ebola được phát hiện vào tháng 3/2014, hàng chục người đã chết tại 8 ngôi làng ở Guinea và nhiều trường hợp nghi nhiễm xuất hiện ở các nước láng giềng Liberia và Sierra Leone.

Do dịch Ebola bùng phát quá nhanh nên Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) phải tuyên bố tình trạng khẩn cấp trên toàn thế giới vào ngày 8/8. Ngày 9/8, tại Liberia, người biểu tình đã chặn tuyến đường cao tốc lớn nhất nước này để phản đối sự chậm trễ của Chính phủ trong việc thu gom thi thể nạn nhân dịch Ebola.

“Hiện nay, nỗ lực của chúng ta là không đủ để ngăn chặn virus”, bác sĩ Fazlul Haque, phó đại diện của Unicef ở Liberia phát biểu trên tờ New York Times.

Tờ International Business Times dẫn tin từ New York Times cho biết, dịch bệnh đang lan rất nhanh và dữ dội vì hai lý do chính. Đầu tiên, các trường hợp nhiễm bệnh ban đầu đều sống tại khu vực biên giới nơi đường sá thuận tiện và nhiều người đi lại thường xuyên.

Thứ hai, các nhân viên y tế ở Tây Phi không có kinh nghiệm trong việc điều trị các trường hợp nhiễm Ebola. Các nhân viên này đều không được đào tạo đầy đủ và không có các trang thiết bị cần thiết để tránh lây nhiễm virus cho bản thân mình và các bệnh nhân khác. Việc thiếu nước và găng tay cao su cũng khiến dịch Ebola bùng phát mạnh mẽ hơn.

Dù đã phát hiện ra nạn nhân đầu tiên của dịch bệnh nhưng nhóm các nhà nghiên cứu chưa giải thích được bé trai 2 tuổi ở Guéckédou vì sao bị nhiễm virus Ebola. Họ nghi ngờ bé trai này ăn phải một thứ quả bị nhiễm bệnh hoặc bị chích bởi một cây kim tiêm nhiễm bệnh./.