Kể từ khi bùng phát tại Tây Phi từ đầu năm tới nay, dịch Ebola đã khiến hơn 1.000 người thiệt mạng bất chấp những nỗ lực của Chính phủ các nước trong khu vực cũng như cộng đồng quốc tế.
Chính phủ Liberia ngày 11/8 đã triển khai các nhân viên quân sự tới 3 vùng bị dịch Ebola để phong tỏa các tuyến đường và lập các chốt kiểm tra.
Tại thủ đô Monrovia, một số bệnh viện rơi vào tình trạng thiếu nhân viên sau khi các nhân viên người nước ngoài rời đi. 5 bệnh viện tại đây đã phải đóng cửa để cách ly và vì các lý do khác.
Chính phủ nước láng giềng Siera Leone cũng đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp trên cả nước, phong tỏa vùng bệnh để ngăn chặn dịch bệnh lây lan và cấm tụ tập nơi công cộng. Tuy nhiên, sự bùng phát dịch bệnh không có dấu hiệu suy giảm.
Bờ Biển Ngà ngày 11/8 đã tuyên bố cấm tất cả các chuyến bay đến và đi tới những nước bị ảnh hưởng bởi dịch Ebola để đề phòng virus chết người lây lan tới nước này.
Chính phủ Bờ Biển Ngà cũng sẽ tăng cường các biện pháp đề phòng ở sân bay Abidjan. Theo đó, tất cả các hành khách sẽ phải kiểm tra thân nhiệt bằng máy đo thân nhiệt hồng ngoại.
Sân bay Abidjan là sân bay quốc tế chính của Bờ Biển Ngà và cũng là một điểm trung chuyển quan trọng tại châu Phi, khu vực ít có các chuyến bay trực tiếp. Điều này khiến Bờ Biển Ngà có nguy cơ cao bị ảnh hưởng bởi Ebola.
Người phát ngôn Bộ Y tế Bờ Biển Ngà Bruno Kone cho biết: “Bờ Biển Ngà sẽ dừng tất cả các chuyến bay đến và đi tới các nước bị ảnh hưởng bởi Ebola. Việc tạm dựng sẽ được áp dụng cho đến khi có thông báo mới. Tất cả các hãng hàng không đều không được phép chở các hành khách từ những khu vực bị dịch Ebola vào Bờ Biển Ngà”.
Hiện Bờ Biển Ngà vẫn chưa phát hiện trường hợp nào nhiễm virus Ebola nhưng có nhiều nguy cơ bùng phát dịch do có chung đường biên giới với Guinea và Liberia.
Việc cấm các chuyến bay chở khách từ các nước bị dịch đến Bờ Biển Ngà là động thái tương tự như Gambia và Zambia hồi tuần trước. Trước đó, nhiều hãng hàng không đã dừng các chuyến bay tới khu vực Tây Phi, trong đó có Hãng hàng không Anh quốc, UAE, Cộng hòa Chad.
Còn tại Đức, các bác sỹ tại bệnh viện Đại học Charité đang chuẩn bị các biện pháp cách ly trong trường hợp có ca nhiễm Ebola tại nước này.
Động thái này diễn ra trong bối cảnh ngày 10/8, Rumani đã công bố phát hiện trường hợp đầu tiên nghi nhiễm virus Ebola, sau khi người này trở về từ Tây Phi.
Trước đó, công dân đầu tiên của châu Âu nhiễm virus Ebola là một giáo sỹ người Tây Ban Nha nhiễm bệnh tại Libêria và đã được đưa về nước để điều trị.
Bác sỹ Florian Steiner thuộc Khoa bệnh nhiệt đới bệnh viện Đại học Charite cho biết: “Một trường hợp bị nghi ngờ nhiễm Ebola, sẽ có khả năng rất cao nhiễm phải dịch bệnh này. Hiện tại Đức chưa phát hiện trường hợp nhiễm bệnh nào và rất khó xảy ra khả năng này. Cho dù dịch Ebola có bùng phát như ở Tây Phi thì chúng tôi cũng đã có các biện pháp chuẩn bị để có ngăn chặn dịch bệnh này nhanh chóng”.
Theo Tổ chức Y tế thế giới, dịch Ebola đã khiến 1.779 người nhiễm bệnh và 1.013 người thiệt mạng. Hiện tại vẫn chưa có thuốc điều trị cho dịch bệnh có khả năng gây tử vong tới 90% này.
Trong khi đó, Mỹ đã chấp thuận gửi thuốc điều trị thử nghiệm Ebola tới Liberia – một trong những tâm điểm bùng phát dịch Ebola tại Tây Phi trong bối cảnh Tổ chức Y tế Thế giới cảnh báo dịch bệnh sẽ còn diễn biến phức tạp hơn trong những tháng tới./.