Trước hết, Bộ Ngoại giao Pháp ra khuyến cáo đối với khách du lịch, yêu cầu tất cả công dân Pháp không sang các nước Tây Phi là Guinée, Sierra Leone, Liberia và Nigeria (trừ trường hợp khẩn cấp).
Đồng thời, các cơ quan chức năng Pháp xác định nguy cơ lây nhiễm cao nhất là đến từ đường vận tải hàng không. Bộ Y tế Pháp phối hợp với các công ty hàng không và các cảng hàng không, cảng biển thực hiện nhiều biện pháp, trong đó đẩy mạnh các biện pháp vệ sinh ngăn ngừa và áp dụng nhiều biện pháp.
Theo đó, trước khi bước lên máy bay, các hành khách khởi hành từ Conakry (Guinée), Freetown (Sierra Leone) và Monrovia (Liberia) buộc phải điền vào các phiếu câu hỏi, đo nhiệt độ cơ thể trong khu vực sân bay trước khi được cấp thẻ lên máy bay. Bộ Y tế Pháp cũng cung cấp miễn phí các thông tin về dịch bệnh Ebola đến các hành khách trên các chuyến bay.
Ngoài ra, Bộ Y tế Pháp cũng ban hành quy định áp dụng cho tất cả các hãng hàng không khi một hành khách bị phát hiện dương tính với vi-rút trên chuyến bay với các biểu hiện như sốt cao, nôn mửa, mẩn đỏ, đau họng..., hành khách đó sẽ bị cách li trong toi-let và buộc phải đeo mặt nạ. Nhân viên hãng hàng không Pháp Air France phải mang găng tay và sử dụng cồn vệ sinh. Nhân viên hãng hàng không phải nắm chắc và ngay lập tức xác định những hành khách ngồi gần hành khách bị nghi nhiễm vi-rút để tiến hành các biện pháp phòng ngừa cần thiết như trường hợp cách li một hành khách bị nôn mửa trên chuyến bay từ Conakry về Pháp.
Khi máy bay hạ cánh, hành khách bị nghi nhiễm vi-rút sẽ được đội y tế chăm sóc và cách li trong phòng cách li hoặc xe chuyên dụng, tiến hành các biện pháp thử để xác định các triệu chứng của bệnh Ebola. Các hành khách khác sẽ được hướng dẫn để tự mình tiếp tục theo dõi các triệu chứng của bệnh Ebola để thông báo kịp thời cho nhà chức trách.
Hãng hàng không Pháp Air France cũng tiến hành một loạt các biện pháp sau: liên tục cung cấp thông tin về tình hình dịch bệnh cho phi hành đoàn, hướng dẫn cách xử lý cụ thể cho phi hành đoàn trong trường hợp có hành khách bị nghi nhiễm bệnh trên máy bay; trang bị các gói bảo hộ trên các chuyến bay tới Conakry và Freetown; trang bị cồn vệ sinh trên cách chuyến bay này; thường trực đội y tế để can thiệp và hỗ trợ...
Đối với đường biển và đường bộ, Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng, Bộ Nội vụ và Bộ Y tế Pháp phối hợp thành lập các đội tuần tra và kiểm soát chặt chẽ đường biển, nhất là các chuyến tàu trở về từ châu Phi và từ khu vực có dịch, phối hợp ngăn chặn, cách ly ngay từ vòng ngoài.
Ở trong nước, Bộ Y tế Pháp cũng đã chuẩn bị một hệ thống các bệnh viện chuyên biệt và cơ sở xét nghiệm ở mỗi vùng để trong trường hợp phát hiện, các ca nhiễm bệnh sẽ được chuyển thẳng vào các bệnh viện nay để vừa tiến hành cách biện pháp vệ sinh cách li, vừa thuận tiện cho việc chữa trị, tránh các tình huống bất ngờ. Những cơ sở y tế này phải có ít nhất 3 phòng cách li đủ tiêu chuẩn và một phòng thí nghiệp ở cấp độ an ninh P3 (mức độ an ninh cao ở Pháp). Khi phát hiện ca nhiễm bệnh, bệnh nhân sẽ được chuyển trực tiếp đến các cơ sở y tế này mà không qua bộ phận khám cấp cứu, nhằm đảo bảo an toàn cho các bác sĩ và nhân viên y tế. Các bác sĩ khi tiếp xúc với ca nghi ngờ phải đeo 2 găng tay, đi 2 giầy, trang bị máy bảo vệ hô hấp...
Đối với các trường hợp bị tình nghi, ngoài việc bị tiến hành cách ly, người bệnh sẽ bị lấy mẫu máu để phân tích. Mẫu máu này sẽ được 2 cơ sở tiến hành phân tích, trong đó 1 cơ sở thuộc Trung tâm quốc gia về sốt xuất huyết do vi khuẩn thuộc Viện Pasteur ở thành phố Lyon. Mỗi mẫu máu sẽ cần ít nhất 12 giờ để phân tích.
Những hành khách trở về từ vùng có nguy cơ nhiễm dịch sẽ phải theo dõi nhiệt độ thường xuyên. Những người này, trong khoảng thời gian 21 ngày sau khi trở về từ vùng có nguy cơ nhiễm dịch, nếu bị sốt từ 38,5oC trở lên sẽ bị coi là một ca tình nghi và sẽ được thông báo cho trung tâm 15 - trung tâm theo dõi và hành động khẩn cấp đối với các ca lây nhiễm./.