Ngày 6/1, sau cuộc đàm phán khởi động tại thủ đô Addis Ababa (Ethiopia), chính phủ Nam Sudan và phe nổi dậy đã nhất trí đàm phán trực tiếp bắt đầu từ ngày 1/7 để tìm giải pháp chấm dứt cuộc xung đột kéo dài trong 3 tuần qua. 

Quyền trưởng đoàn đàm phán của chính phủ Nam Sudan, Michale Mwake, đã đưa ra cam kết:“Chúng tôi cam kết sẽ theo đuổi hòa bình ngay bây giờ. Tôi hy vọng, các bên cũng hướng tới chấm dứt đổ máu tại Nam Sudan, chấm dứt cảnh người dân phải rời bỏ nhà cửa vì bạo lực. Chúng tôi đã bắt đầu tiến trình đàm phán và lạc quan rằng các bên sẽ kết thúc với hòa bình”. 

damphannamsudan.jpg
Các đại diện của phe đối lập đang tham dự cuộc đàm phán tại Addis Ababa, Ethiopia (Ảnh: AFP)

Người đứng đầu đoàn đàm phán của phe nổi dậy tại Nam Sudan, Deng Gai cũng khẳng định nỗ lực để đạt được hòa giải với chính phủ của Tổng thống Salva Kiir.

Ông Deng Gai cho biết: “Chúng tôi tới đây để đàm phán với những người anh em của mình. Giữa các bên có những bất đồng, chúng tôi không đồng tình với chính phủ Nam Sudan, nhưng tôi tin rằng chúng tôi có thể đạt được một sự hòa giải toàn diện vì các bên và vì người dân Cộng hòa Nam Sudan”     

Đây là cuộc xung đột tồi tệ nhất tại Nam Sudan kể từ khi nước này tuyên bố độc lập năm 2011. Chính quyền non trẻ của Nam Sudan đã ngay lập tức phải đối mặt với những bất ổn từ trong nước.

Bạo lực bùng phát tại Nam Sudan từ giữa tháng 12 năm ngoái, sau khi chính phủ của Tổng thống Salva Kiir cáo buộc các binh sĩ trung thành với cựu Phó Tổng thống Riek Machar âm mưu tiến hành đảo chính.

Xung đột bùng phát và nhanh chóng lan rộng tới 10 bang của Nam Sudan, gây chia rẽ bộ lạc Dinka (bộ lạc ủng hộ Tổng thống Kiir) và bộ lạc Nuer (bộ lạc ủng hộ ông Machar). Ít nhất 1000 đã thiệt mạng và hơn 200.000 người phải dời bỏ nhà cửa vì bạo lực.

Trước diễn biến bạo lực leo thang nhanh chóng tại Nam Sudan, các nước trong khu vực và cộng đồng thế giới không khỏi lo ngại về nguy cơ xảy ra nội chiến tại nước này. Tổng thống nước láng giềng Sudan, Omar al-Bashir ngày 7/1, đã tới thủ đô Juba của Nam Sudan và có cuộc hội đàm với người đồng cấp nước chủ nhà Salva Kiir về tình hình bạo lực.

Phát biểu trong cuộc họp báo chung với ông Kiir, Tổng thống Sudan al-Bashir khẳng định, nước này sẽ không ủng hộ bất kỳ lực lượng nổi dậy nào tại Nam Sudan.

Ông al-Bashir nói: “Với Nam Sudan, chúng tôi đã có những thỏa thuận để đảm bảo về đường biên giới. Chúng tôi đảm bảo rằng, sẽ không để bất cứ ai và bất cứ lực lượng nào tại Sudan có hành động chống lại chính phủ Nam Sudan”

Trong khi đó, diễn biến đụng độ giữa quân đội chính phủ và phe nổi dậy ở các bang sản xuất dầu mỏ là Unity và Thượng Nile ở miền Bắc nước này đã phủ bóng đen lên bàn thảo luận. Quân đội Nam Sudan khẳng định đang chiếm ưu thế, trong khi người phát ngôn của phe nổi dậy lại tuyên bố đang giành chiến thắng và có kế hoạch tấn công thủ đô Juba.

Các cam kết hòa bình đã được đưa ra, song dư luận đang lo ngại về việc các bên có vượt qua được những trở ngại lớn bắt đầu với việc chính phủ Nam Sudan từ chối yêu cầu của phe đối lập là thả một số tù nhân, trong đó có các cựu quan chức cấp cao trong chính phủ, thân cận với cựu phó Tổng thống Riek Machar.

Phía Chính phủ Nam Sudan cũng một lần nữa khẳng định lập trường không chấp nhận bất kỳ điều kiện tiên quyết nào để bước vào đàm phán của phe nổi dậy, đồng thời khẳng định mọi luật pháp của Nam Sudan phải được tôn trọng./.