Tuy nhiên, ngày 4/1 cuộc đối thoại chính thức giữa chính phủ Nam Sudan và phe nổi dậy của cựu Thủ tướng Riek Machar mới bắt đầu trong bối cảnh giao tranh giữa binh sỹ 2 bên vẫn diễn ra quyết liệt. Liên Hợp Quốc cảnh báo, tình hình Nam Sudan vẫn còn rất mong manh.

Giao tranh vẫn tiếp diễn ở thị trấn Bor thuộc bang Jonglei và thị trấn Bentiu thuộc bang miền Bắc Unity. Trước lời đe dọa của phe nổi dậy sẽ chiếm thị trấn Bo và tiến vào thủ đô Juba cách đó khoảng 200 km, quân đội Nam Sudan đang tăng cường phản công tại 2 thị trấn này và tuyên bố sắp giành lại được Bor.

Những người lính Nam Sudan tại một sân bay ở thị trấn Bor (Ảnh AFP)

Người phát ngôn quân đội Nam Sudan (SPLA) Philip Aguer cho biết: “Thủ đô Juba hoàn toàn an toàn. Quân đội giải phóng nhân dân Nam Sudan có đủ khả năng và lực lượng để triển khai bên trong và xung quanh thủ đô, quyết tâm bảo vệ vững chắc Juba”.

Liên Hợp Quốc đã tăng cường các nhân viên đến Juba cho nhiệm vụ cứu trợ và bảo vệ dân thường.

Khoảng 1.000 người Nam Sudan đã thiệt mạng và hơn 180.000 người mất nhà cửa, trong đó có 63.000 người xin tỵ nạn ở các căn cứ của Liên Hợp Quốc tại đây.

Các nhân viên cứu trợ cho biết, vẫn còn rất nhiều người tỵ nạn Nam Sudan không có nơi trú ẩn, nước sạch, thuốc men và hệ thống vệ sinh.

Nhân viên Phái bộ Liên Hợp Quốc tại Nam Sudan Toby Lanzer cho biết số người tị nạn có thể tăng lên 300.000-400.000 trong vòng vài ngày tới.

“Tình hình ở Nam Sudan vẫn tiếp tục bất ổn, gây nhiều khó khăn cho dân thường. Chúng tôi sẽ làm mọi việc có thể để đến được những vùng người dân cần giúp đỡ. Ở Bor còn rất nhiều người tìm kiếm sự giúp đỡ và nương nhờ vào các căn cứ của Liên Hợp Quốc tại đây. Chúng tôi còn một kho dự trữ lương thực ở gần đó và đang cố gắng phân phát lương thực cho những người cần trợ giúp trong khả năng của chúng tôi.”, ông Lanzer cho biết.

Cuộc xung đột hiện nay ở quốc gia non trẻ nhất thế giới này được cho là đã bắt nguồn từ những căng thẳng giữa các bộ tộc trước khi Nam Sudan tuyên bố độc lặp năm 2011.

Mặc dù vậy, Giới quan sát hoàn toàn bất ngờ vì diễn biến nhanh chóng và dường như đang vượt khỏi tầm kiểm soát của cuộc khủng hoảng ở Nam Sudan.

Các cuộc đối thoại riêng rẽ giữa chính phủ và phe nổi dậy với các nhà trung gian đàm phán hòa bình trong 3 ngày qua đã tạo một nền tảng “tích cực” cho các cuộc đàm phán trực tiếp sắp tới.

Tuy nhiên, không có con đường bằng phẳng nào giúp các bên đi đến một thỏa thuận về cơ chế giám sát lệnh ngừng bắn mới chỉ được nhất trí về mặt nguyên tắc.

Thậm chí nếu đàm phán ngừng bắn ở Etiopia thật sự đạt được tiến bộ cũng chưa có dấu hiệu nào cho thấy thỏa thuận này sẽ được thực thi nghiêm túc trong vòng 1 hay 2 tuần tới.

Các nhà phân tích lo ngại, một thỏa thuận ngừng bắn có thể không phải là điều mà ông Riek Machar theo đuổi vào lúc này bởi  thủ lĩnh phe nổi dậy muốn giành phần thắng trên chiến trường hoặc ít nhất là duy trì được thế cân bằng lực lượng quân sự để có tiếng nói vững chắc trong các cuộc hòa đàm sau này./.