Các cuộc đàm phán trực tiếp bắt đầu diễn ra ngày 5/1 tại Addis Abeba, Ethiopia, giữa đại diện của Tổng thống Nam Sudan, Salva Kiir và cựu phó Tổng thống Riek Machar, như một phần nỗ lực của khu vực và quốc tế nhằm chấm dứt các cuộc giao tranh khốc liệt bùng phát tại quốc gia non trẻ nhất thế giới này tháng trước.

Trong bối cảnh giới ngoại giao trung gian cố gắng thúc đẩy khởi động đàm phán chính thức về một thỏa thuận ngừng bắn, và các cuộc hòa đàm bắt đầu được xúc tiến, ngày 5/1, xung đột lại tiếp tục nổ ra tại các bang sản xuất dầu mỏ Thượng Nile và Unity, thuộc khu vực phía Bắc Nam Sudan.

nam%20sudan.jpg
Một người lính vùng Nam Sudan (Guardian)

Người phát ngôn của quân đội Nam Sudan, ông Philip Aguer nhấn mạnh, lực lượng chính phủ đang được tăng cường tại Bentiu và Malakal vốn đang nằm dưới sự kiểm soát của các phiến quân. Quân đội chính phủ cũng đang nỗ lực tái chiếm thành phố chiến lược Bor cách thủ đô Juba 200 km.

Trước đó, đêm 4/1, tiếng đạn pháo vẫn nổ trong khu vực có dinh Tổng thống, trụ sở Quốc hội và văn phòng các bộ ở Juba.

Đàm phán hòa bình giữa hai bên xung đột ở Nam Sudan tiếp tục gặp trở ngại khi chính phủ Nam Sudan ngày 5/1 từ chối yêu cầu của phe đối lập là thả một số tù nhân, trong đó có các cựu quan chức cấp cao trong chính phủ, thân cận với cựu phó Tổng thống Riek Machar.

Bộ trưởng Thông tin Nam Sudan, Michael Makue một lần nữa nhắc lại lập trường của Chính phủ sẽ không chấp nhận bất kỳ điều kiện tiên quyết nào để bước vào các cuộc đàm phán hòa bình với phe nổi dậy.

Một trong những yêu cầu từ lãnh đạo phe chống đối, cựu Phó Tổng thống Riek Machar là thả một số tù nhân chính trị bị bắt giữ có liên quan tới âm mưu đảo chính bất thành.

Tuy nhiên, ông Makue khẳng định, Chính phủ Nam Sudan sẽ không đầu hàng trước những sức ép từ yêu cầu của phe đối lập, và các tù nhân sẽ không được thả tự do và phải bị đưa ra xét xử trước công lý.

Bộ trưởng Thông tin Nam Sudan nhấn mạnh: “Không có ai đứng ngoài luật pháp. Bất kể bạn làm điều gì trái với luật pháp, thì dù bạn là ai, bạn cũng sẽ phải chịu xét xử theo luật pháp. Đó là lập trường của chúng tôi. Vì vậy, không thể yêu cầu thả tự do cho những người đang bị bắt giữ và buộc tội. Họ sẽ chỉ được thả tự do theo các quy định của luật pháp của chính phủ Cộng hòa Nam Sudan.”

Cùng ngày, phản ứng về tình hình Nam Sudan, Mỹ đánh giá cao nỗ lực của Cơ quan Phát triển liên chính phủ Đông Phi trong việc triệu tập các bên tham gia đàm phán, đồng thời cũng đưa ra một số đề xuất nhằm đảm bảo đàm phán hòa bình đạt hiệu quả cao nhất.

Phía Mỹ đề nghị các bên tại Nam Sudan nỗ lực đạt được tiến bộ nhanh chóng nhằm chấm dứt chiến sự, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận cứu trợ nhân đạo, đồng thời hối thúc chính phủ nước này thực thi cam kết thả các tù nhân chính trị đang bị giam giữ.Trong khi đó, trước khi rời Israel trong chuyến công du Trung Đông lần thứ 10, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry ngày 5/1 khẳng định, trong vài tuần qua, Mỹ đã phối hợp chặt chẽ với các quốc gia đang tham gia vào việc ngăn chặn bạo lực tại Nam Sudan, đồng thời có nhiều cuộc điện đàm với các nhà lãnh đạo Nam Sudan cũng như các quan chức Mỹ đang có mặt tại khu vực để nỗ lực giải quyết khủng hoảng.

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry nói: “Mỹ sẽ ủng hộ các bên tìm kiếm hòa bình. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ thúc đẩy áp lực quốc tế chống lại những bên sử dụng vũ lực để giành lợi thế vì điều này là không thể chấp nhận được. Các cuộc đàm phán ở Addis Abeba là giải pháp tốt nhất. Thế giới đang theo dõi sát sao việc ngừng bắn cũng như thiện chí của các lãnh đạo của các bên xung đột. Họ phải hối thúc các bên đang xung đột ngồi vào bàn đàm phán. Giao tranh cần phải được chấm dứt và chúng ta đang tìm kiếm một tiến trình hướng tới hòa bình”./.