Trong cuộc hội đàm với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, Tổng thống Barack Obama tuyên bố, Mỹ sẽ “không loại trừ bất kỳ một lựa chọn nào kể cả cả hành động tấn công quân sự” để đảm bảo rằng Iran không phát triển vũ khí hạt nhân.

obama-netanyahu-1.jpg
Tổng thống Barack Obama và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu có cuộc hội đàm ở Washington ngày 30/9 (Ảnh: Reuters)
Sáng 30/9, Tổng thống Barack Obama và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã có cuộc Hội đàm ở Nhà Trắng, chỉ 3 ngày sau cuộc điện đàm lịch sử của ông Obama với tân Tổng thống Iran Hassan Rowhani.

Ông Obama cho biết, trong cuộc điện đàm giữa hai nhà lãnh đạo của Iran và Mỹ sau hơn 3 thập kỷ, Tổng thống Rowhani đã nói rằng “Iran sẽ không bao giờ phát triển vũ khí hạt nhân”.

Trong cuộc gặp với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, để tìm cách xoa dịu những lo ngại của Israel về mối quan hệ đang “ấm dần” giữa Washington và Tehran, Tổng thống Obama nói rằng, Iran phải chứng minh những lời nói của họ bằng hành động cụ thể.

Ông Obama nói: “Với những gì chúng ta đã thấy và những hành động đe dọa, chống lại Israel trong quá khứ của chính quyền Iran thì rõ ràng những lời nói suông là không đủ… Iran cần phải có những hành động để chứng minh cho cộng đồng quốc tế thấy rằng, họ không chủ trương chế tạo vũ khí hạt nhân”.

Đồng quan điểm với Tổng thống Obama, ông Netanyahu cho rằng, “những lời lẽ mang tính hòa giải của Iran phải được hiện thực hóa bằng hành động cụ thể, minh bạch và có ý nghĩa”.

Tổng thống Obama nhấn mạnh rằng, cả Mỹ và Israel đều nhất trí “bắt buộc” Iran không được phép sở hữu vũ khí hạt nhân. Washington sẽ tham khảo ý kiến với Israel và các đồng minh trong khu vực trong quá trình đàm phán với Iran và hy vọng vấn đề này có thể được giải quyết thông qua các biện pháp ngoại giao.

Tuy nhiên, ông Obama nói rằng: “Chúng tôi không loại trừ bất kỳ một lựa chọn nào kể cả hành động tấn công quân sự”.

Trong cuộc hội đàm với ông Obama, Thủ tướng Netanyahu đã ca ngợi những nỗ lực của Washington trong việc cố gắng giải quyết các vấn đề “gai góc” và kêu gọi Mỹ không nên vội vàng dỡ bỏ lệnh trừng phạt kinh tế Iran.

Theo quan điểm của ông Netanyahu, việc Iran “xuống thang” là nhờ vào “sự kết hợp của một mối đe dọa quân sự đáng tin cậy” và áp lực của lệnh trừng phạt kinh tế. Những áp lực này “nên được duy trì cho đến khi có thể kiểm chứng được thành công của quá trình đàm phán”.

Trước chuyến thăm Mỹ  ông Netanyahu đã có những tuyên bố cho rằng, động thái mới nhất của Iran thực chất chỉ là một kế sách để kéo dài thời gian và tránh các biện pháp trừng phạt của quốc tế. Chiều ngày 1/10, Thủ tướng Israel sẽ có bài phát biểu trước Đại hội đồng Liên Hợp Quốc ở New York./.