Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cho biết, trong tuần này, ông sẽ gửi một thông điệp tới Nhà Trắng và Liên Hợp Quốc rằng, đừng để phía Iran dễ dàng qua mặt.

Ông Netanyahu cho rằng, Iran đang sử dụng các cử chỉ hòa giải chỉ là hành động “tung hỏa mù” nhằm che giấu việc tiếp tục theo đuổi kế hoạch chế tạo bom hạt nhân của nước này.

benjamin-netanyahu-1.jpg
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cảnh báo Mỹ và phương Tây cần thận trọng với Iran (Ảnh: AP)

Ông Netanyahu cho biết, ông sẽ cố gắng thuyết phục Mỹ duy trì các biện pháp trừng phạt để không chỉ ngăn chặn Iran mà còn ngăn chặn các quốc gia Hồi giáo khác phát triển vũ khí hạt nhân.

Giới phân tích cho rằng, với việc Nhà Trắng tỏ ra lạc quan trong mối quan hệ với Iran thì cuộc họp dự kiến sẽ diễn ra trong ngày 30/9 giữa ông Netanyahu và Tổng thống Barack Obama có thể sẽ có những căng thẳng nhất định.

Sau bài phát biểu của Tổng thống Iran Hassan Rowhani tại phiên họp của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, ông Benjamin Netanyahu đã lên tiếng chỉ trích đó là  bài phát biểu đầy “hoài nghi”, “đạo đức giả”.

Trong bài phát biểu của mình ông Rowhani đã không ít lần khẳng định rằng, Iran không có ý định chế tạo vũ khí hạt nhân và tuyên bố sẵn sàng tiến hành các cuộc đàm phán mới với phương Tây. Tuy nhiên, phía Israel lại cho rằng, nhà lãnh đạo mới của Iran đang cố lừa dối các cường quốc phương Tây trong khi nước này đang tiếp tục làm giàu uranium và có khả năng sản xuất vũ khí hạt nhân. 

Ngày 27/9, ông Barack Obama và ông Hassan Rouhani đã có cuộc điện đàm khoảng 15 phút. Đây là cuộc điện đàm cấp cao đầu tiên giữa lãnh đạo hai nước kể từ 34 năm qua và là dấu hiệu cho thấy họ nghiêm túc trong việc tìm kiếm thỏa thuận về chương trình hạt nhân Tehran.

Cuối cuộc điện đàm, Tổng thống Obama đã gợi ý rằng một bước đột phá về vấn đề hạt nhân có thể báo trước một mối quan hệ sâu sắc hơn giữa Mỹ và Iran. Các nhà ngoại giao Mỹ và châu Âu sau đó đã lên tiếng ca ngợi “sự thay đổi rất đáng kể” trong thái độ và cách nhìn nhận về vấn đề hạt nhân của Iran.

Mặc dù vậy, đối với ông Netanyahu, việc mối quan hệ giữa Mỹ và Iran có dấu hiệu được cải thiện lại chẳng khác gì một cơn ác mộng.

Ông Netanyahu cảnh báo rằng, Iran vẫn không ngừng theo đuổi việc phát triển vũ khí hạt nhân trong những suốt những năm qua. Cũng theo ông Netanyahu, tuyên bố gần đây của ông Rowhani chỉ là một kế sách để kéo dài thời gian và tránh các biện pháp trừng phạt của quốc tế.

Israel từ lâu đã coi Iran là mối đe dọa trực tiếp đối với quốc gia này. Israel cho rằng, Iran đã hậu thuẫn cho các nhóm chiến binh Arab chiến đấu chống lại Nhà nước Do Thái, tấn công vào các mục tiêu chiến lược của Israel ở châu Âu và châu Á.

Theo ông Netanyahu, thiện chí của ông Rowhani chỉ có thể được đánh giá dựa trên hành động cụ thể chứ không phải là những lời nói suông. Ông Netanyahu cho rằng, các biện pháp trừng phạt và áp lực của quốc tế bao gồm cả việc đe dọa sử dụng vũ lực là cần thiết.

Để minh chứng cho ý kiến của mình, nhà lãnh đạo của Israel đã đưa ra dẫn chứng về trường hợp Triều Tiên khi nước này sử dụng chiêu bài đàm phán quốc tế để bí mật phát triển vũ khí hạt nhân.

Cựu Đại sứ Israel tại Mỹ, Zalman Shoval, người hiện là cố vấn của ông Netanyahu cho biết, Thủ tướng Netanyahu sẽ trình bày với Tổng thống Obama về những thông tin tình báo của Israel cho thấy chương trình hạt nhân của Iran là không thay đổi.

Ông Shoval nói: “Tương tự như vậy, trong bài phát biểu tại Liên Hợp Quốc, Thủ tướng sẽ chứng minh cho mọi người thấy rằng, Israel nói riêng và thế giới nói chung cần tiếp tục đề cao cảnh giác”.

Phía Mỹ dường như cũng đã nhận thức được mối quan tâm Israel khi lên tiếng trấn an Israel rằng, Mỹ cũng có những hoài nghi tương tự như những gì Israel đang lo ngại. Một quan chức Mỹ giấu tên cho hay, Chính quyền Tổng thống Obama cũng sẽ tìm cách đảm bảo cho đồng minh Israel rằng, nếu Mỹ đạt được thỏa thuận với Iran thì thỏa thuận này cũng sẽ thúc đẩy những lợi ích an ninh của Israel thông qua giải quyết các vấn đề hạt nhân mà không cần can thiệp quân sự./.