Cả Israel và Palestine vẫn tồn tại nhiều bất đồng liên quan đến những vấn đề mấu chốt còn đang tranh cãi. Đó là các vấn đề về đường biên giới, quy chế đối với thành phố Jerusalem, số phận người tị nạn Palestine tại các vùng đất Israel chiếm đóng và cơ chế an ninh đối với khu vực Bờ Tây sau khi thành lập một nhà nước Palestine độc lập.
Ngay trước khi Ngoại trưởng Mỹ John Kerry kết thúc chuyến công du Trung Đông lần thứ 10 ngày hôm qua, Israel đã thông qua kế hoạch xây dựng 272 ngôi nhà mới tại các khu định cư ở Bờ Tây. Phong trào có tên “Hòa bình bây giờ” (Peace Now), cho biết việc xây dựng 250 căn nhà tại Ofra và 22 căn tại Karnei Shomron, các khu định cư nằm tách biệt ở trung tâm Bờ Tây, đã được một cơ quan phụ trách các vấn đề định cư của quân đội Israel phê chuẩn.
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry (Ảnh: Reuters) |
Một quan chức giấu tên thuộc Bộ Quốc phòng Israel nói rằng việc xây dựng các căn nhà trên đã được công bố từ tháng 10/2013. Hồi cuối tháng 12 năm ngoái, Israel dự định sẽ công bố kế hoạch xây dựng khoảng 1.400 nhà định cư mới sau khi trả tự do đợt thứ ba cho 26 tù nhân Palestine vào ngày 31/12, song quyết định này đã được hoãn lại ngay trước thềm chuyến thăm Trung Đông của Ngoại trưởng Kerry.
Thông báo mới nhất của phía Israel dường như càng “khoét sâu” thêm hố ngăn cách giữa nước này với Palestine trong các cuộc đàm phán do Mỹ làm trung gian. Bất chấp nỗ lực của Ngoại trưởng Mỹ trong 10 chuyến ngoại giao con thoi tới Trung Đông, các bên đã không đạt được thỏa thuận khung mà Mỹ đã đề ra.
Phát biểu trên truyền thông Israel, ông Kerry thừa nhận các cố gắng của ông có thể sẽ tiếp tục thất bại do tính chất phức tạp của các cuộc đàm phán. Trong chuyến công du tới Trung Đông lần này, ông Kerry đã có các cuộc gặp riêng rẽ với Thủ tướng Israel, Benjamin Netanyahu, Tổng thống Palestine Mahmud Abbas, cũng như các đồng minh Arab của Mỹ là Jordan và Saudi Arabia.
Nội dung được các bên bàn thảo bao gồm tất cả vấn đề nhạy cảm nhất trong thỏa thuận khung do Mỹ đề xuất bao gồm các vấn đề về biên giới dựa trên cơ sở đường biên giới năm 1967, người tị nạn, an ninh, Jerusalem là thủ đô của 2 quốc gia cũng như Arab công nhận Israel là nhà nước Do thái.
Chuyến đi của ông Kerry đã bị phủ bóng bởi việc các lãnh đạo của Israel và Palestine cáo buộc lẫn nhau “không phải là đối tác nghiêm túc” trong việc tìm kiếm hòa bình.
Trưởng đoàn đàm phán Palestine, ông Saeb Erekat cho rằng: “Ngoại trưởng Kerry đã có nhiều nỗ lực nhằm đạt được một giải pháp hai nhà nước - một nhà nước Palestine sống bên cạnh nhà nước Israel một cách hòa bình và an ninh trên cơ sở đường biên giới năm 1967. Những gì mà ông Kerry làm và cũng như tôi nhắc lại rằng, đó không phải là một thỏa thuận tạm thời, không phải là giai đoạn chuyển tiếp, mà chúng tôi cố gắng để đạt được một thỏa thuận về tất cả các vấn đề cốt lõi. Không ai hưởng lợi từ thành công của ngoại trưởng Kerry hơn người Palestine và cũng không ai chiu thiệt thòi nhiều hơn người Palestine nếu ông Kerry thất bại”.
Tuy nhiên, các đề xuất được ngoại trưởng Mỹ đưa ra trong chuyến thăm đều không nhận được sự ủng hộ của cả phía Palestine và Israel. Một giới chức giấu tên của Palestine cho biết, Ngoại trưởng Kerry đã đưa ra đề xuất 80.000 người tị nạn Palestine quay trở lại Israel, một phần trong kế hoạch nhằm đạt được một thỏa thuận khung về hòa bình.
Trong khi đó, Tổng thống Abbas đòi hỏi Israel phải dành quyền hồi hương cho khoảng 200.000 người Palestine được trở về sinh sống tại các khu vực bị Israel chiếm đóng.
Liên quan đến quy chế đối với thành phố Jerusalem, Ngoại trưởng Mỹ đã đưa ra ý tưởng về việc dành một phần đất của thánh địa này cho chính quyền Palestine nằm dưới sự giám hộ của Jordan, quốc gia có trách nhiệm quản lý các thánh đường Hồi giáo và nhà thờ Cơ đốc giáo tại Jerusalem theo một thỏa thuận hòa bình năm 1994 với Israel. Tuy nhiên, Israel luôn từ chối công nhận Đông Jerusalem là thủ đô của nhà nước Palestine trong tương lai, đồng thời khẳng định thánh địa linh thiêng này là "thủ đô vĩnh viễn" của nhà nước Israel.
Theo giới quan sát, những diễn biến mới lại cho thấy con đường dẫn đến hòa bình Trung Đông còn nhiều gập ghềnh bởi việc mất lòng tin giữa Palestine và Israel cũng như những mâu thuẫn nặng nề còn tồn tại suốt nhiều thập niên qua trong cuộc xung đột giữa 2 bên. Việc các bên chấp nhận nối lại đàm phán vào tháng 7 năm ngoái thực chất chỉ là không muốn bị xem là bên từ chối hòa bình và làm khó cho nỗ lực hòa bình./.