Trong khuôn khổ chuyến công du Trung Đông, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry hôm 4/1 đã có cuộc hội đàm mới với Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas nhằm tìm cách thu hẹp bất đồng giữa Israel và Palestine để thúc đẩy tiến trình đàm phán hòa bình được khởi động lại từ tháng 7/2013 sau 3 năm gián đoạn.
Đây là cuộc gặp thứ hai của Ngoại trưởng Kerry với nhà lãnh đạo Palestine trong vòng 3 ngày qua nhằm thảo luận về dự thảo hiệp định hòa bình cuối cùng cho Israel và Palestine, trong đó bao gồm tất cả những điểm mấu chốt còn tranh cãi như các đường biên giới, quy chế đối với thành phố Jerusalem, số phận người tỵ nạn Palestine tại các vùng đất Israel chiếm đóng và cơ chế an ninh đối với khu vực Bờ Tây sau khi thành lập một nhà nước Palestine độc lập.
Từ trái qua phải: Tổng thống Israel Peres, Ngoại trưởng Mỹ Kerry, và Tổng thống Palestine Abbas (ảnh: AP) |
Phát biểu sau cuộc gặp Tổng thống Abbas, Ngoại trưởng John Kerry cho biết: “Chúng tôi đang làm việc với “cường độ lớn” và cam kết nỗ lực giải quyết cuộc xung đột kéo dài nhiều năm qua. Chúng ta có trách nhiệm tìm ra một thỏa thuận khung về các vấn đề lớn để thúc đẩy các cuộc đàm phán hiện nay. Như ông Saeb Erekat–Trưởng đoàn đàm phán của phía Palestine nói, chúng ta chưa đạt được một thỏa thuận, nhưng đã đạt nhiều tiến triển. Chúng ta đang bắt đầu tập trung vào giải quyết những vấn đề khó khăn nhất”.
Trưởng đoàn đàm phán hòa bình Trung Đông của Palestine, ông Saeb Erekat cũng nói rằng, ông Kerry đã nỗ lực để đạt được giải pháp hai nhà nước cho Israel và Palestine: “Ngoại trưởng Kerry đã nỗ lực để có thể để đạt được một giải pháp hai nhà nước: Nhà nước Palestine bên cạnh Nhà nước Israel chung sống trong hòa bình và an ninh trên đường biên giới năm 1967. Tuy nhiên, công việc phía trước của Ngoại trưởng Mỹ không phải là một thỏa thuận tạm thời hay một giai đoạn chuyển tiếp mà nhiều hơn những thứ đó. Chúng tôi đang cố gắng để đạt được một hiệp định trên tất cả các vấn đề cốt lõi”.
Trước đó, Ngoại trưởng Kerry cũng có cuộc gặp Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu nhằm thu hẹp những bất đồng về thỏa thuận khung, theo đó sẽ giải quyết tất cả những vấn đề cốt lõi. Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Israel vẫn chỉ trích Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas và tỏ thái độ nghi ngờ cam kết hòa bình của ban lãnh đạo Palestine. Ông Netanyahu tuyên bố Chính phủ Israel sẵn sàng kiến tạo "hòa bình lịch sử", nhưng đối tác Palestine cũng phải đưa ra cam kết tương tự. Nhà lãnh đạo Israel nhấn mạnh rằng hòa bình đồng nghĩa với việc "công nhận Israel là một nhà nước".
Trong khi đó, trưởng đoàn đàm phán Palestine Saeb Erekat công kích luận điểm của Thủ tướng Israel Netanyahu và nói rằng, không ai phải chịu mất mát do đàm phán thất bại nhiều hơn người Palestine. Ông Saeb Erekat cũng kêu gọi Israel "kiềm chế mọi hành vi có thể làm phương hại đến Palestine hoặc cản trở kết quả đàm phán khi tiến hành các hoạt động định cư và phá bỏ nhà cửa bất hợp pháp trên phần đất của Palestine".
Các cuộc hòa đàm trực tiếp giữa Israel và Palestine đã đóng băng gần ba năm nay, sau nỗ lực ngoại giao “quyết liệt” của Ngoại trưởng Mỹ, hai bên đã nhất trí nối lại đàm phán vào tháng 7 năm ngoái và cam kết sẽ duy trì thương thuyết trong chín tháng tiếp theo. Tuy nhiên, bất chấp nỗ lực của Ngoại trưởng Mỹ Kerry thì các cuộc đàm phán hòa bình Trung Đông vẫn còn gặp rất nhiều chông gai và trở ngại.
Dự kiến hôm nay (5/1), Ngoại trưởng John Kerry sẽ đến Jordan và Saudi Arabia để thảo luận với lãnh đạo các nước này về tiến trình đàm phán hòa bình Israel-Palestine. Sự ủng hộ của các nước Arab có ý nghĩa quan trọng đối với Palestine để có thể đưa ra những thỏa hiệp cần thiết nhằm đạt được thỏa thuận với Israel./.