Ngày 2/1, ngoại trưởng Mỹ John Kerry quay trở lại Trung Đông. Đây là chuyến thăm lần thứ 10 của người đứng đầu Bộ Ngoại giao Mỹ tới khu vực Trung Đông còn đầy bất ổn trong vòng một năm qua kể từ khi ông Kerry tiếp quản cương vị này vào đầu năm 2013.
Trong chuyến thăm lần này, Ngoại trưởng John Kerry sẽ thông báo với các nhà lãnh đạo Israel và Palestine về bản dự thảo cho một hiệp định hòa bình cuối cùng, bao gồm tất cả những điểm mấu chốt còn tranh cãi như các đường biên giới, quy chế đối với thành phố Jerusalem, số phận người tị nạn Palestine tại các vùng đất Israel chiếm đóng và cơ chế an ninh đối với khu vực Bờ Tây sau khi thành lập một nhà nước Palestine độc lập.
Người dân Palestine cầm biểu ngữ và cờ biểu tình tại khu vực biên giới với Israel trong cuộc tranh chấp vùng đất Jordan (Ảnh AP) |
Bản dự thảo này sẽ bao gồm các điều khoản khiến các nhà lãnh đạo Israel và Palestine phải đưa ra những quyết định khó khăn.
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu có thể “sẽ phải công nhận đường biên giới trước cuộc chiến tranh năm 1967” như là điểm khởi đầu cho các cuộc đối thoại biên giới với Palestine.
Cho đến nay, Thủ tướng Netanyahu vẫn kiên quyết phản đối việc quay lại đường biên giới trước năm 1967. Bởi làm như vậy, buộc Israel phải sẵn sàng phân chia Jerusalem và những địa điểm tôn giáo, từ bỏ hầu hết khu vực Bờ Tây và di dời hàng chục nghìn người định cư Israel trên phần đất chiếm đóng. Quyết định trên cũng sẽ vấp phải sự phản đối kịch liệt của khối cánh hữu Israel, trong đó có nhiều người thuộc đảng Likud.
Trong khi đó, Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas lo ngại ông sẽ bị sức ép công nhận Israel là một nhà nước Do Thái- một bước đi mà ông nhận định “sẽ làm tổn hại quyền của người gốc Arab và người tị nạn Palestine”. Theo các nhà phân tích, ông Abbas sẽ rất khó khăn để đưa ra nhượng bộ mà không có bất kì lợi ích thực tế nào có thể đổi lại trong các cuộc đàm phán.
Trong thông điệp năm mới 2014, Tổng thống Palestine Abbas cảnh báo “sẽ không chịu bất cứ sức ép nào để bảo vệ lợi ích quốc gia”.
“Chúng tôi đang đàm phán để đạt được một nghị quyết giúp hướng tới việc thành lập một nhà nước Palestine với thủ đô là Đông Jerusalem - Một giải pháp đối với người tị nạn phù hợp với nghị quyết 194 cũng như các điều khoản trong Sáng kiến hòa bình Arab”, ông Abbas cho biết.
Các cuộc đàm phán Israel-Palestine được nối lại vào mùa hè năm trước và chỉ còn 4 tháng nữa là đến hạn chót cho mục tiêu mà Mỹ đưa ra để tiến tới một thỏa thuận cuối cùng.
Nhấn mạnh đến những bế tắc giữa hai bên, Ngoại trưởng Kerry hy vọng sẽ có bước tiến được đưa ra ngay sau khi hai bên nhất trí về dự thảo của thỏa thuận.
Tuy nhiên, trước chuyến thăm lần này, các quan chức Nhà Trắng thừa nhận, không hy vọng sẽ có một sự đột phá, mà chỉ cố gắng thu hẹp các bất đồng trong các cuộc gặp với các nhà lãnh đạo Israel và Palestine.
Ngoại trưởng Mỹ sẽ không áp đặt những ý tưởng hay tìm kiếm câu trả lời cuối cùng cho thỏa thuận hòa bình Trung Đông. Thay vào đó sẽ là thời gian để hai bên thảo luận.
Phó phát ngôn viên Nhà Trắng Marie Harf cho biết: “Trong chuyến thăm này, Ngoại trưởng Kerry sẽ thảo luận với cả hai nhà lãnh đạo về một dự thảo khung cho các cuộc đàm phán. Dự thảo này được coi như nguyên tắc chỉ đạo cho cuộc đàm phán quy chế vĩnh viễn và sẽ giải quyết tất cả những vấn đề chủ chốt. Các cuộc đàm phán nhằm thu hẹp khoảng cách giữa hai bên và tiếp tục hối thúc hai bên đưa ra các bước đi xây dựng”.
Cuộc thăm dò ý kiến mới đây cũng cho thấy, đa số người Israel và Palestine đều ủng hộ một nhà nước Palestine bên cạnh Israel. Tuy nhiên sự ủng hộ này cũng giảm đi khi đề cập chi tiết của thỏa thuận.
Trong một động thái nhằm tạo thuận lợi cho các cuộc đàm phán, Israel ngày 1/1 hủy quyết định thúc đẩy kế hoạch xây dựng thêm hơn 1.400 căn hộ cho tới khi kết thúc chuyến thăm khu vực của Ngoại trưởng Mỹ./.