Thông tin trên do các quan chức Seoul thông báo vào ngày 26/12.
Mỹ có các thỏa thuận chia sẻ tình báo riêng rẽ, song phương với Hàn Quốc và Nhật Bản – hai nước đồng minh này của Mỹ đều cho Mỹ đặt căn cứ với hàng chục ngàn quân trên lãnh thổ của họ.
Thế nhưng bản thân Seoul và Nhật Bản đều không có các hiệp định song phương tương tự giữa lúc họ có những tranh chấp lịch sử kéo dài nảy sinh từ việc Nhật Bản đã cai trị bán đảo Triều Tiên trong giai đoạn 1910-1945.
Năm 2012, hai nước này gần đạt được thỏa thuận chia sẻ tình báo song phương đầu tiên nhưng việc ký kết đã bị hủy bỏ vào phút chót do sự phản đối bên trong Hàn Quốc.
Với hiệp ước ba bên này, Hàn Quốc và Nhật Bản sẽ chia sẻ tình báo, nhưng chỉ là về các chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên, thông qua Mỹ, theo một thông cáo từ Bộ Quốc phòng Hàn Quốc.
Hiệp ước mới này sẽ giúp 3 quốc gia tham gia phản ứng nhanh chóng trước bất cứ động thái đặc biệt nào từ phía Triều Tiên.
Thông cáo trên cho biết, việc sử dụng các cơ sở tình báo của Nhật Bản sẽ giúp thúc đẩy hoạt động theo dõi tình hình Triều Tiên.
Giới chức Hàn Quốc nói rằng Triều Tiên được cho là đã đạt được tiến bộ trong quá trình sản xuất các đầu đạn hạt nhân đủ nhỏ và nhẹ để đặt lên tên lửa có tầm bắn vươn tới Mỹ trong bối cảnh 8 năm đã trôi qua kể từ khi họ tiến hành cuộc thử bom hạt nhân đầu tiên.
Bán đảo Triều Tiên về mặt kỹ thuật vẫn trong tình trạng chiến tranh vì cuộc chiến liên Triều giai đoạn 1950-1953 đã kết thúc bằng một thỏa thuận đình chiến chứ không phải hòa ước.
Tháng 10 vừa rồi quân đội hai miền của bán đảo Triều Tiên đã đấu súng với nhau dọc theo biên giới giữa hai nước./.