Mỹ và các nước đồng minh thường hứa hẹn sẽ bỏ cấm vận đối với Triều Tiên và viện trợ trở lại cho nước này nếu Triều Tiên chấp nhận từ bỏ chương trình phát triển vũ khí hạt nhân, thực hiện phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.

Tuy nhiên, hôm 6/4 tờ Rodong Sinmun – cơ quan ngôn luận của Đảng Lao động Triều Tiên – đã cho đăng bài viết nhấn mạnh Triều Tiên sẽ không mắc bẫy “cây gậy và củ cà rốt” mà Mỹ đã thực hiện khá hiệu quả trong thập kỷ qua.

Tác giả bài báo đã phân tích một số trường hợp “mắc mưu” Mỹ và NATO và phải chịu những kết cục bi thảm. 

saddam%20hussein%20va%20muammar%20gaddafi.jpg
Hai cố lãnh đạo của Iraq (Saddam trái) và Libya (Gaddafi) đã lùi bước trước sức ép của Mỹ và cuối cùng thì bị lật đổ và giết chết (ảnh: ahram)

Theo tác giả, chiêu thức của Mỹ và đồng minh là gây sức ép (bằng các chế tài đa quốc gia và quốc tế hóa các vấn đề nội bộ) buộc các chế độ mà họ thù địch phải từ bỏ năng lực phòng vệ. Nếu không gây sức ép, Mỹ sẽ sử dụng chiêu “viên đạn bọc đường”, hứa hẹn viện trợ, bình thường hóa quan hệ ngoại giao, hỗ trợ kinh tế, khiến đối phương chủ quan, ảo tưởng và đi đến chỗ tự nguyện bỏ các chương trình xây dựng vũ khí và năng lực quân sự.

Nói ngắn gọn, trước tiên Mỹ và đồng minh tìm cách “tước khí giới” của một quốc gia/chế độ mà họ nhắm đến. Khi đạt được mục tiêu, họ bất ngờ ra đòn hiểm về mặt quân sự để khuất phục quốc gia/chế độ này – khi ấy đã gần như mất hết khả năng tự vệ.

Tờ Rodong Sinmun nêu trường hợp chiến tranh Balkan, phía Mỹ đã ép Nam Tư rút lực lượng đặc nhiệm khỏi Kosovo và cho phép quân đội của Kosovo vào thay thế. Ngay sau đó, phi cơ của Mỹ trút bom ào ạt xuống Nam Tư.  

Dinh Tổng thống Saddam Hussein bị ném bom và bắn tên lửa dữ dội trong cuộc chiến bất ngờ do Mỹ phát động (ảnh: Getty Images)

Tác giả bài báo viết tiếp, câu chuyện tương tự xảy ra ở Iraq. Đầu tiên Mỹ buộc Iraq phải phá hủy các cơ sở quân sự, bao gồm kho tên lửa. Khi Iraq đã từ bỏ và tiêu hủy vũ khí hóa học, cũng như hủy dần các quả tên lửa của mình thì Mỹ và đồng minh bất ngờ phát động chiến tranh xâm lược Iraq rồi lật đổ chế độ của Tổng thống Saddam Hussein chỉ trong “nháy mắt”. Trong cuộc chiến này, ông Saddam Hussein thực sự đã trở tay không kịp – ông sau đó đã bị bắt rồi treo cổ.

Một trường hợp nữa là Libya, mà theo tác giả là cái gai trong mắt người Mỹ. Sau khi Libya chấp nhận từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân, NATO đã mở các cuộc tấn công ào ạt phối hợp với phe đối lập bên trong Libya. (Sau một thời gian cầm cự, chế độ của ông Gaddafi đã sụp đổ, còn bản thân ông Gaddafi thì chết đau đớn trong tay lực lượng nổi dậy với sự hỗ trợ tích cực từ NATO.)

Từ những phân tích trên, cây viết tờ Rodong Sinmun đi đến chỗ kết luận nhân dân Triều Tiên đã đúng đắn khi lựa chọn cả tự lực kinh tế và xây dựng quốc phòng, đặc biệt là “nắm chắc” “cây bảo kiếm – vũ khí hạt nhân”, để bảo vệ quyền sống và quyền phát triển của mình./.