Đây là lần thứ ba trong lịch sử nước Mỹ thực hiện nghi thức này đối với một nhà lãnh đạo nước ngoài.

Trong lịch sử nước Mỹ, Tổng thống Geogre W. Bush từng tuyên bố treo cờ rủ để tưởng niệm ngày mất của Đức Giáo Hoàng John Paul II vào năm 2005. Năm 1965, Tổng thống Lyndon Johnson cũng đã ra lệnh tương tự để tưởng nhớ những đóng góp của Winston Churchill.

Ở thời điểm tuyên bố treo cờ rủ tưởng niệm Thủ tướng Anh Winston Churchill vào năm 1965, truyền thông Mỹ đã đưa ra lời nhận định lần đầu tiên nước Mỹ thực hiện nghi thức này với một nhà lãnh đạo nước ngoài. Tuy nhiên, ông Churchill luôn được coi mang một nửa dòng máu Mỹ do có mẹ là người Mỹ.

mandela_copy.jpg
Ông Mandela và vợ sau gần một năm ông được trả tự do (Ảnh AP)

Trong bài phát biểu đưa ra từ Nhà Trắng vào hôm thứ Năm, Tổng thống Mỹ Barack Obama ca ngợi "phẩm giá và tính kiên cường" của ông Nelson Mandela, người mà ông đánh giá đã "hy sinh cả tự do của mình để giành lại tự do cho người khác". Tổng thống Obama tuyên bố: "Hôm nay, ông ấy đã đi xa và chúng ta mất đi một trong những người có ảnh hưởng nhất, can đảm và tốt đẹp nhất. Ông không còn ở bên chúng ta nữa mà đã trở thành người thiên cổ".

Ông Obama tuyên bố nước Mỹ sẽ treo cờ rủ tại các tòa nhà liên bang và khu vực quân sự cho đến hết tối thứ hai để tưởng niệm sự ra đi của người đã đóng góp cả cuộc đời cho sự tự do của nhân dân Nam Phi, cho nền hòa bình trên thế giới.

Nhà Trắng cũng đưa ra thông cáo chung tuyên bố Tổng thống Mỹ và Đệ nhất phu nhân Michelle sẽ đến Nam Phi vào tuần tới để dự lễ tang cấp nhà nước tưởng nhớ ông Mandela tại ngôi làng Qunu.

Tuyên bố treo cờ rủ trên toàn nước Mỹ của ông Obama đã nhận được những ý kiến trái chiều của người dân Mỹ. Nhiều người cho rằng ngoại trừ trường hợp của Winston Churchill và Giáo Hoàng John Paul II, nước Mỹ không nên thực hiện nghi thức treo cờ rủ với bất kì một nhà lãnh đạo nước ngoài nào khác.

Tuy nhiên những người khác ủng hộ quyết định của ông Obama, cho rằng với những đóng góp cho nền hòa bình thế giới, với quãng thời gian 27 năm ngồi tù vì nhân dân Nam Phi, ông Mandela xứng đáng là người nước ngoài thứ 3 đón nhận nghi thức này ở Mỹ.

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry khẳng định ông Mandela là một nhà lãnh đạo hiếm thấy, là một hình mẫu của nhân loại. Ông xứng đáng được tôn vinh không chỉ ở Nam Phi mà còn trên toàn thế giới.

Ông Kerry nhớ lại thời điểm Lễ Tạ ơn năm 2007 khi ông có dịp tiếp xúc với cựu Tổng thống Nam Phi. Ông Kerry cũng nhắc đến chuyến thăm trên đảo Robben, nơi ông Mandela đã bị giam giữ suốt 27 năm.

"Sau gần ba thập kỷ bị giam giữ trong điều kiện gần như không có ánh sáng, đôi mắt của ông Mandela đã bị suy giảm thị lực phần nào nhưng ông ấy vẫn nhìn thấy những điều tốt đẹp đến với người dân Nam Phi", ông Kerry nói./.