Thế giới đang tưởng nhớ vị Tổng thống da đen đầu tiên của nước Nam Phi, người vừa mới qua đời vào đêm 5/12. Đã có nhiều bài viết về Mandela kể từ khi ông phải nhập viện. Các bài viết thể hiện sự kính trọng đối với vị “cha già” của dân tộc Nam Phi, khắc họa ông như 1 chiến sĩ quả cảm tranh đấu trọn đời vì quyền bình đẳng của người da đen.

 >> Xem thêm: Nhà tù khét tiếng giam cầm cựu Tổng thống Mandela

Tuy nhiên tư tưởng của Mandela không bó hẹp trong cuộc chiến chống phân biệt chủng tộc. Ông thường đặt nghi vấn đối với chính sách bá quyền của Mỹ, đồng thời đau đáu với quyền được độc lập tự do cho dân tộc Palestine. Những điều này ít được truyền thông phương Tây nhắc đến, kể cả trong dịp này.

mandela%20castro%20chong%20de%20quoc.jpg
Ông Mandela (trái) và ông Castro (ảnh: projectdom.tumblr)

Trước khi Mỹ xâm lược Iraq vào năm 2003, ông Mandela đã phản bác hành động của Mỹ trong 1 bài phát biểu tại Diễn đàn Phụ nữ Quốc tế ở Johannesburg. Ông tuyên bố rằng động cơ chính của cựu Tổng thống George W. Bush là “dầu” và ông Bush đang phá hoại Liên Hợp Quốc.

  >> Đọc thêm: Chiến tranh Iraq – Bài học về tạo cớ gây chiến

“Nếu có nước nào phạm những tội ác không thể tả xiết trên thế gian này, thì đó chính là Hợp chủng quốc Hoa Kỳ. Họ chẳng quan tâm gì đến con người,” ông Mandela nói.

Nelson Mandela không xuống giọng trong các tuyên bố rắn rỏi nhằm vào Mỹ, và ông liên tục phát ngôn phản đối khả năng nước này sẽ xâm lược Iraq. Khi người Mỹ rầm rộ chuẩn bị ra tay, ông Mandela đã nói với tờ Newsweek vào năm 2002: “Nếu anh nhìn vào các vấn đề đó, anh sẽ đi tới chỗ kết luận rằng chính thái độ của Mỹ là mối đe dọa đối với hòa bình thế giới”.

  >> Đọc thêm: Suy ngẫm về khủng bố và chủ nghĩa can thiệp

Cố Tổng thống Nam Phi Mandela cũng là một người ủng hộ nhiệt thành cho Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO). Trong 1 phát biểu với các phóng viên vào năm 1999, ông nhất trí làm trung gian chính trị giữa Israel và các nước láng giềng.

Theo hãng Điện tín Do Thái, Mandela từng tuyên bố: “Israel nên rút lui khỏi tất cả các khu vực mà họ chiếm từ tay người Arab vào năm 1967, và đặc biệt Israel cần rút hoàn toàn khỏi Cao nguyên Golan, khỏi nam Lebanon và khỏi Bờ Tây”.

Hồi năm 1997, ông từng phát biểu: “Liên Hợp Quốc có quan điểm cứng rắn chống lại apartheid, và qua nhiều năm cộng đồng quốc tế đã xây dựng được sự đồng thuận trong việc chấm dứt chế độ ác độc này. Nhưng chúng ta cũng biết rõ rằng tự do của chúng ta là thiếu đầy đủ nếu không có cả tự do cho người dân Palestine”.

Ông Mandela gặp Fidel Castro vào năm 1991, và đọc diễn văn bên cạnh Castro trong dịp Cuba kỷ niệm 38 năm cuộc tấn công trại lính Moncada. Nelson Mandela ca ngợi “vị trí đặc biệt” của Cuba trong trái tim nhân dân châu Phi, cuộc Cách mạng Cuba và những tiến bộ mà nước này đã đạt được.

“Ngay từ những ngày đầu, Cách mạng Cuba đã là nguồn cảm hứng cho tất cả nhân dân yêu chuộng hòa bình,” Nelson Mandela nói. “Chúng tôi ngưỡng mộ những hy sinh mà nhân dân Cuba đã thực hiện để duy trì độc lập chủ quyền của mình khi phải đối mặt với chiến dịch ác hiểm do đế quốc dàn dựng nhằm phá hoại những thành quả ấn tượng của cuộc cách mạng… Cách mạng Cuba muôn năm! Đồng chí Fidel Castro muôn năm!”

Cựu Tổng thống Nam Phi Mandela cũng từng hối thúc Liên Hợp Quốc chấm dứt các biện pháp trừng phạt hà khắc đối với Libya vào năm 1997 và cam kết ủng hộ nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi, vốn cũng ủng hộ Nelson Mandela trong nhiều năm liền.

“Hỡi anh chị em châu Phi, nghĩa vụ của chúng ta là ủng hộ nhà lãnh đạo anh em này,… đặc biệt là khi các lệnh trừng phạt không chỉ hướng vào ông ấy mà còn ảnh hưởng đến cả quần chúng nhân dân nữa,” ông Mandela nói./.