Nhà báo nổi tiếng John Carlin, Tổng biên tập tờ London Independent tại Nam Phi từ năm 1989-1995, đã tiết lộ nhiều điều thú vị về cố Tổng thống Mandela.

Ông John Carlin đã viết cuốn “Đùa với kẻ thù” mà đạo diễn Clint Eastwood đã dựng thành phim “Invictius”. Ông cũng tham gia sản xuất bộ phim dựa trên cuốn sách “Người thứ 16” của ông và bộ phim “Hành trình dài của Nelson Mandela” cùng hãng PSB.

carlin-mandela_copy.jpg
Ông Nelson Mandela và nhà báo John Carlin (Ảnh Yahoo News)

VOV.VN xin giới thiệu bài viết của nhà báo John Carlin về cố Tổng thống Mandela.

Tôi đã phỏng vấn ông Nelson Mandela một tháng trước khi ông trở thành Tổng thống Nam Phi năm 1994 tại phòng Tổng thống ở Tòa nhà Liên Đoàn tại thành phố Pretoria, tổng hành dinh của nhiều đời lãnh đạo da trắng tại nước này.

Ông Mandela đã tiết lộ rất nhiều điều thú vị, bao gồm cả việc ông sẽ nghỉ hưu ngay sau 5 năm nhiệm kỳ Tổng thống đầu tiên của mình. Ông giải thích rằng ông sẽ luôn cẩn trọng trong việc đối xử với người da trắng ở Nam Phi và sẽ không xúc phạm họ bằng việc xóa bỏ những biểu tượng quốc gia vốn rất gần gũi với họ vì ông đã thấm thía sự tàn bạo và dã man của chủ nghĩa Apartheid.

Điều đọng lại nhất trong tôi trong cuộc phỏng vấn với ông Mandela chính là cuộc gặp gỡ ngắn ngủi với một người phụ nữ da trắng làm việc tại đây. Tại cuộc gặp này ông Mandela đã thể hiện rõ ràng hơn bất kỳ lời nói nào về sự tôn trọng của ông dành cho những người da trắng bất chấp những gì những người này đã gây ra cho ông và những đồng bào da màu của mình.

Khi cuộc phỏng vấn đang diễn ra được 5 phút thì có một tiếng gõ cửa nhẹ và một người phụ nữ da trắng bước vào phòng mang theo một khay đựng trà và nước khoáng.

Ngay khi nhìn thấy người phụ nữ này, ông Mandela ngừng lời và đứng bật dậy cười rất tươi và hỏi thăm bà sau đó giới thiệu bà với tôi. Tôi cũng đứng dậy và bắt tay với bà. Ông Mandela sau đó cảm ơn bà vì đã mang trà và nước cho chúng tôi và không hề ngồi xuống cho đến khi người phụ nữ này rời khỏi phòng.

Hành động này của ông Mandela hoàn toàn giống như những gì tôi biết về ông trong suốt 6 năm tôi làm phóng viên thường trú tại Nam Phi từ năm 1989-1995, giai đoạn lịch sử kể từ khi ông được giải thoát khỏi nhà tù và Nam Phi chuyển từ một nền chuyên chế bạo ngược sang một nền dân chủ.

Trong thời gian đó, tôi đã chứng kiến ông tham gia rất nhiều hoạt động xã hội, thực hiện rất nhiều cuộc nói chuyện và phỏng vấn ông để viết sách và làm phim tài liệu. Tôi cũng nói chuyện với những người được cho là hiểu rõ về ông nhất. Tất cả đều cho tôi một cảm nhận giống như khi tôi gặp người phụ nữ da trắng mang trà và nước cho chúng tôi ngày hôm ấy. Ông Mandela là người rất tôn trọng những người khác và cực kỳ có sức cuốn hút đối với người dân.

Điều tuyệt vời hơn nữa ở đây là việc ông thể hiện sự lịch thiệp của mình với cả những người đã từng làm thuê cho các đời Tổng thống dưới chế độ Apartheid. Những điều tra tiếp theo của tôi tiết lộ rằng, ông Mandela đã yêu cầu tất cả những người này ở lại làm việc cho ông khi ông nắm quyền Tổng thống. Tất cả những người này sau đó đều ngưỡng mộ ông hơn bất kỳ ông chủ da trắng nào của mình. Một người đàn ông cao to làm việc cho ông Mandela được hơn 13 năm đã rơi lệ khi ông hồi tưởng về những cử chỉ tốt đẹp mà ông Mandela dành cho mình.

Khoan dung với mọi người, trừ một người

Sự khoan dung của của ông Mandela với những người da trắng - nhất là với những người đã bỏ tù ông - luôn được mọi người ca ngợi. Tuy nhiên, không phải lúc nào ông Mandela cũng giữ được thái độ tôn trọng với những con người này.

Từ trước tới nay, ông Mandela luôn kìm nén cảm giác thù ghét đối với những người da trắng đã đẩy ông và những bạn của ông vào cảnh tù tội. Ông luôn hiểu rõ rằng sẽ là không khôn ngoan nếu vừa ra tù đã bày tỏ sự căm ghét của mình với nhóm nhỏ những người da trắng luôn muốn giữ khư khư quyền lực trong tay mình không chỉ từ khi họ thiết lập chế độ phân biệt chủng tộc Apartheid năm 1948 mà thậm chí là kể từ khi người da trắng đầu tiên định cư tại mảnh đất cực nam của châu Phi này năm 1652.

Việc thiếu kiềm chế cảm xúc của mình có thể đe doạ trực tiếp đến quyết tâm xoá bỏ chế độ Apartheid để thành lập nền dân chủ ở Nam Phi của ông thông qua một giải pháp duy nhất mà ông cho là khả thi là đối thoại và hoà giải sắc tộc.

Tuy nhiên, có một ngoại lệ đối với sự khoan dung của ông Mandela, đó chính là Tổng thống da trắng cuối cùng của Nam Phi, ông F.W de Klerk - người đã trả tự do cho ông và thoả thuận với ông về sự chấm dứt chế độ Apartheid tại nước này.

Ông de Klerk (trái) và ông Mandela tại lễ trao giải Nobel Hoà Bình (Ảnh AP)

Đối với con người này, ông Mandela luôn có một cảm giác rất trái ngược khi đối diện. Phần lý trí trong ông thừa nhận giá trị rất lớn của ông de Klerk trong khi thực hiện mục đích của mình nhưng bản năng của ông luôn thúc giục ông chống lại ông de Klerk bằng mọi cách.

Ông Mandela không ưa gì con người của ông de Klerk, ông nhận thấy đây là một luật sư thông minh nhưng rất khó lường, nhỏ mọn và nhất là thiếu một tâm hồn rộng lượng để có thể hoàn toàn đứng về phía người da màu chống lại chủ nghĩa Apartheid mà ông de Klerk đã phụng sự trong nhiều năm.

Đó chính là lý do tại sao khi ông biết rằng mình và ông de Klerk sẽ cùng nhận giải Nobel Hoà bình năm 1993, ông đã ngầm cảm thấy tức giận và chỉ thể hiện điều này với một vài người bạn thân nhất của mình, bao gồm ông George Bizos, một luật sư da trắng đã bào chữa tại phiên toà xét xử ông năm 1964 nơi ông bị kết án chung thân.

Trong cuộc phỏng vấn ông Bizos để hoàn thành cuốn sách của mình về ông Mandela, ông Bizos đã nói với tôi rằng, ông Mandela cảm thấy thật là sai lầm khi giải Nobel Hoà bình được trao cho một chính trị gia cống hiến phần lớn cuộc đời mình để ủng hộ chủ nghĩa Apartheid. Theo ông, đáng lẽ ra giải này phải được trao cho ông và toàn bộ tổ chức mà ông đại diện là Đại hội Dân tộc Phi.

Tuy nhiên, phần mà tôi thấy thú vị nhất chính là tiết lộ của ông Bizos rằng, ông Mandela dù rất cố gắng che dấu sự phẫn nộ của mình, đã không kiểm soát được mình và công khai thể hiện điều này tại lễ trao giải thưởng Nobel tại Oslo, Na Uy - nơi dù không có truyền hình hay nhà báo hiện diện nhưng vẫn có rất nhiều nhân vật quan trọng đến chứng kiến sự kiện này.

Theo lời kể của ông Bizos, người tháp tùng ông Mandela đến Na Uy, khi ông de Klerk lên đọc diễn văn nhận giải thưởng, ông Mandela đã hy vọng rằng ông de Klerk sẽ nói vài lời công nhận tội ác và sự bất công của chủ nghĩa Apartheid và thay mặt người da trắng đưa ra lời xin lỗi về những tội lỗi của họ trong quá khứ đối với người da màu.

Tuy nhiên, ông de Klerk đã không làm như vậy, thay vì thế ông chỉ nói rằng đó là những “sai lầm” từ cả hai phía. Lúc đó, ông Bizos nhớ lại rằng ông Mandela đã lắc đầu.

Buổi tối sau lễ trao giải, ông de Klerk và ông Mandela đến dự một sự kiện tại Nhà thờ Oslo. Buổi lễ bắt đầu với việc việc hát vang bài hát “Nkosi Sikelel’ iAfrica”, một bài hát cổ, trang trọng và đầy cảm động về cuộc đấu tranh và giải phóng những người da màu.

Khi mọi người bắt đầu cất lời hát, ông Mandela nhìn thấy ông de Klerk chẳng quan tâm gì đến việc này và đang tán ngẫu với vợ của mình.

Ngay sau đó, trong bữa tiệc chiêu đãi của Thủ tướng Na Uy có sự hiện diện của 150 quan khách, ông Mandela đã không còn giữ được sự kiên nhẫn của mình và bất chấp không khí vui vẻ của bữa tiệc ông đã lớn tiếng chỉ trích chế độ Apartheid mà người cùng nhận giải Nobel Hoà bình với ông là đại diện đã huỷ hoại cuộc đời ông như thế nào.

Ông Bizos nói rằng lúc đó ông ngỡ ngàng vì những lời lẽ của ông Mandela nhất là khi ông Mandela mô tả một cách chi tiết những gì rùng rợn nhất mà ông phải trải qua 18 năm tại nhà tù Alcatraz ở phía Nam bờ Đại Tây Dương. Tuy nhiên, ông Mandela cũng đã kịp ngừng ngay lại và chỉ nói thêm rằng “Một vài người đại diện cho chế độ Apartheid đó cũng đang có mặt tại đây”.

Ngoài vụ việc đó, tôi cũng đã tận mắt chứng kiến sự giận dữ của ông Mandela vào năm 1993 đối với thái độ “nước đôi” trong các cuộc đàm phán của ông de Klerk.

Đối với nhiều kẻ thù chính trị hoặc những đối thủ cũ của mình, ông Mandela đều cư xử rất lịch thiệp và đầy tôn trọng. Tôi đã từng nói chuyện với cựu Giám đốc Cơ quan tình báo, một cựu Bộ trưởng Tư pháp của chế độ Apartheid và một cựu tướng lĩnh đã lên kế hoạch dẫn đầu một nhóm khủng bố cực hữu nhắm vào nền dân chủ của ông Mandela. Cả 3 người này đều rất ngưỡng mộ ông và coi ông như một người thân thích. Ông cựu Giám đốc Cơ quan tình báo không gọi ông là Mandela mà bằng cách xưng hô như thể ông đang nói về người cha của mình.

Có thể, sự giận dữ của ông Mandela với ông de Klerk là do ông đã quá kỳ vọng ở ông de Klerk và càng cảm thấy thất vọng hơn về sự vô cảm của ông de Klerk với số phận bi thảm của những người da màu Nam Phi.

Nếu không như vậy, thật khó có thể lý giải được sự tôn trọng của ông Mandela dành cho người tiền nhiệm của ông de Klerk là ông P.W Botha, người còn tàn bạo và ác độc hơn ông de Klerk rất nhiều.

Nhân dân thế giới bày tỏ tiếc thương trước sự ra đi của Nelson Mandela (Ảnh Reuters)

Nhìn vào sự bao dung độ lượng của ông Mandela và sự phẫn uất của ông đối với ông de Klerk chúng ta càng nhận thức sâu sắc rằng, ông Mandela không phải là một vị chân tu Tây Tạng, một nhân vật siêu nhiên hay một vị thánh mà cũng là một con người có thể lúc này lúc khác mắc phải những sai lầm như bất kỳ ai trong chúng ta.

Tuy nhiên, không thể phủ nhận rằng việc ông phải tranh đấu để chế ngự “con quỷ dữ” ngự trị trong ông là một bằng chứng lớn lao về phẩm chất lãnh đạo siêu việt mà ông thể hiện, sự hy sinh cao cả mà ông đã trải qua và sự tự kiểm soát bản thân mình mà ông đã làm để đạt được phần thưởng lớn nhất mà ông đã theo đuổi cả đời mình: “sự công bằng và dân chủ tại một quốc gia mà những người da đen và da trắng có thể sống trong sự công bằng và hoà bình”./.