Cả 3 nước Trung Quốc, Nhật Bản và Mỹ hôm 29/11 tiếp tục thế đối đầu căng thẳng ở khu vực nhận diện phòng không do Bắc Kinh mới thiết lập – 1 tình thế mà cả 2 phía đều cảnh báo có thể dẫn tới xung đột vũ trang.
Trước thực trạng này, một quan chức cấp cao trong chính quyền Tổng thống Mỹ Obama vào hôm 29/11 (giờ Mỹ) cho biết, các hãng hàng không thương mại đang được thông báo hãy tuân theo lời kêu gọi của Bắc Kinh là phải thông báo cho họ kế hoạch bay qua không phận mới tuyên bố trên vùng biển Hoa Đông, thậm chí ngay cả khi chính quyền Mỹ không công nhận.
Một hãng hàng không của Mỹ (ảnh: AirTeamImages) |
“Chúng tôi đang khuyên các hãng hàng không hãy làm vậy vì lý do an toàn,” vị quan chức này nói.
Lời khuyến cáo trên phản ánh nỗi e sợ các cuộc khẩu chiến qua lại giữa đôi bên có thể dẫn tới các hậu quả không mong muốn xảy ra với không chỉ các lực lượng quân sự đối nghịch mà còn cả dân thường vô tội. Đây là 1 sự thay đổi tinh tế so với 2 ngày trước đó, khi Bộ Ngoại giao Mỹ nói rằng “chính phủ Mỹ nói chung mong đợi các hãng hàng không của Mỹ hoạt động trên vùng biển quốc tế” tuân thủ các quy định của các nước khác, hơn là chỉ đạo các hãng này.
Cho dù các hãng hàng không Mỹ có động thái gì thì 2 hãng hàng không lớn của Nhật Bản đã khước từ tuân theo tuyên bố của Trung Quốc.
Vào ngày 23/11, Trung Quốc đơn phương tuyên bố thiết lập một “Vùng Nhận dạng Phòng không” trên một quần đảo mà nước này và Nhật Bản đều tuyên bố chủ quyền. Cả 2 nước xung khắc dữ dội về chủ quyền các hòn đảo này, mà người ta tin là gần đó có trữ lượng dầu khí lớn.
>> Xem thêm: Yếu tố Mỹ trong tranh chấp Trung - Nhật
Tokyo phản đối khu vực mới cũng như lập trường của Bắc Kinh khăng khăng cho rằng các máy bay đi vào vùng này phải nhận diện bản thân và thông báo lịch trình bay cho họ. Cũng phản đối như Nhật Bản là Hàn Quốc và Mỹ, khi Ngoại trưởng Mỹ John Kerry nói rằng động thái trên của Trung Quốc sẽ chỉ “làm gia tăng căng thẳng ở khu vực này và đẩy cao nguy cơ xảy ra 1 sự cố nào đó”.
Kể từ đó không bên nào lùi bước.
Ngay sáng 29/11 vừa rồi, Trung Quốc đã tung chiến đấu cơ lên sau khi 2 phi cơ quân sự Nhật và Mỹ lao vào vùng phòng không tranh chấp, theo lời của 1 quan chức quân sự Mỹ.
Đại tá Shen Jinke, phát ngôn viên không quân Trung Quốc, phát biểu ở Bắc Kinh rằng 2 chiếc máy bay Mỹ và 10 chiếc máy bay Nhật Bản khi đó đang giám sát các mục tiêu trong khu vực này. Ông ta nói không quân và hải quân Trung Quốc khi ấy đang nhận diện và giám sát các máy bay chiến đấu nước ngoài bay trong khu vực.
Một quan chức quân sự Mỹ cho hay ít nhất 1 máy bay quân sự phi vũ trang của Mỹ và vài máy bay quân sự Nhật Bản bay qua vùng này vào hôm 29/11 mà không gặp phải sự cố gì. Quan chức này nói chuyến bay của Mỹ là một phần trong hoạt động thường lệ đã lên kế hoạch từ trước.
“Đây là hiện trạng,” vị quan chức này nói. “Chúng tôi không thay đổi những gì chúng tôi đang thực hiện. Chúng tôi không cố gửi thông điệp gì đến Trung Quốc cả. Chúng tôi lái phi cơ Mỹ bay hàng ngày trong không phận quốc tế ở khu vực này. Đấy là điều bình thường”.
Nhân vật này nói thêm chiếc máy bay trên không phải là siêu pháo đài bay B-52, mặc dù Mỹ có lái 2 chiếc B-52 qua vùng này vào hôm 25/11 như một phần trong “1 cuộc diễn tập quân sự đã lên kế hoạch trước của Mỹ”./.