Quốc gia Đông Bắc Á này hôm 28/11 tuyên bố đã cho máy bay chiến đấu bay vào vùng nhận diện phòng không trên Biển Hoa Đông mà nước này mới tuyên bố thiết lập. Động thái mới của Trung Quốc diễn ra sau khi các nước Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản đều cho phi cơ bay vào không phận nói trên bất chấp các quy định mà Bắc Kinh áp đặt.

Tân Hoa xã trích dẫn phát ngôn viên không quân Trung Quốc Shen Jinke cho biết lực lượng này đã gửi một số chiến đấu cơ và một máy bay cảnh báo sớm về các hoạt động tuần tra thường lệ trên không trong khu vực này.

Thông báo của Tân Hoa xã không nói rõ thời điểm máy bay cất cánh và việc liệu những chiếc máy bay này có gặp phải máy bay nước ngoài hay không.

vung%20tranh%20chap.jpg
Khu vực tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư (ảnh: Japan Out)

Phát ngôn viên Shen gọi các chuyến bay vào ngày 28/11 là “biện pháp phòng thủ và phù hợp với thực tiễn quốc tế”. Ông khẳng định không quân Trung Quốc sẽ duy trì cảnh giác cao độ và sẽ có biện pháp bảo vệ không phận.

Giới quan sát nhận định động cơ của Trung Quốc trong việc lập ra vùng nhận diện phòng không không phải là để tạo ra thế đối đầu trên không mà đây là một chiến lược dài hơi hơn nhằm củng cố các tuyên bố chủ quyền của nước này đối với các vùng tranh chấp chỉ bằng cách đơn giản là đánh dấu 1 khu vực nào đó là của mình.

‘Yếu tố’ Mỹ trong tranh chấp Trung - Nhật

Việc Trung Quốc thiếu các nỗ lực chặn các chuyến bay của nước ngoài – bao gồm 2 máy bay B-52 đi xuyên qua khu vực này vào ngày 26/11 – đã khiến Bắc Kinh phải bối rối. Thậm chí một số cơ quan truyền thông Trung Quốc hôm qua cũng gián tiếp cho rằng Bắc Kinh có thể đã xử lý tình hình chưa chính xác.

Tờ Global Times, báo khổ nhỏ thuộc Đảng Cộng sản Trung Quốc, đăng xã luận tuyên bố: “Bắc Kinh cần cải cách cơ chế phát tin nhằm giành chiến thắng trong các trận chiến tâm lý do Washington và Tokyo phát động”.

Giới phân tích đặt dấu hỏi đối với năng lực kỹ thuật của Trung Quốc thực thi vùng này khi mà Trung Quốc thiếu máy bay radar cảnh báo sớm và khả năng tiếp liệu trên không. Tuy nhiên, nhiều người tin rằng Trung Quốc theo đuổi kế hoạch dài hạn nhằm giành được sự công nhận đối với khu vực này bằng cách cảnh báo từng bước một rồi tiến tới thực thi chủ quyền đầy đủ.

Teufel Dreyer, 1 chuyên gia về Trung Quốc tại Đại học Miami, nhận định cách thức này của Trung Quốc sẽ vắt kiệt dần Nhật Bản và đạt được hiệu quả trong việc thay đổi hiện trạng.

Vùng phòng không của Trung Quốc nhằm đáp trả việc Tokyo quốc hữu hóa quần đảo Senkaku/Điếu Ngư vào năm ngoái, nhưng lý do trực tiếp khơi mào cho động thái này là việc tháng trước Nhật Bản đe dọa bắn hạ các phi cơ không người lái mà Trung Quốc nói sẽ cho bay vào vùng quần đảo nói trên để thăm dò vẽ bản đồ, theo Dennis Blasko – 1 chuyên gia tại Tổ chức China Security Affairs Group.

Bắc Kinh cho biết các thông báo mà họ đưa ra là cần thiết để duy trì an toàn hàng không trong vùng. Tuy nhiên, thực tế Trung Quốc tuyên bố họ nhận diện và theo dõi máy bay B-52 trong hôm 26/11 dường như làm mất sức thuyết phục của lý do mà Trung Quốc đưa ra.

Rory Medcalff, thuộc Viện Lowy của Australia nhận định “điều này cho thấy có thể vùng phòng không chủ yếu là một động thái chính trị mà thôi. Nó phát đi tín hiệu 1 dạng mở rộng dần dần chủ quyền của mình”.

Tuyên bố lập vùng phòng không của Trung Quốc còn gây thêm lo ngại trong dư luận thế giới về những động thái quyết liệt hơn nữa của Trung Quốc, đặc biệt là vùng Biển Đông mà Bắc Kinh tuyên bố thuộc về mình gần như toàn bộ.

Thực tế thì phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc, Yang Yujun, xác nhận những quan ngại trên của thế giới khi nhân vật này nói rằng Trung Quốc sẽ lập tiếp các vùng nhận diện phòng không vào “một thời điểm thích hợp”.

Tuy nhiên hiện nay Trung Quốc đang tập trung mũi dùi của mình vào Nhật Bản và tranh chấp lãnh hải với nước này./.