Sau khi Trung Quốc tuyên bố thiết lập khu vực phòng không (ADIZ) trên biển Hoa Đông, bao trùm quần đảo Senkaku mà phía Trung Quốc gọi là Điếu Ngư đang tranh chấp với Nhật Bản, quan hệ giữa Tokyo và Bắc Kinh tiếp tục căng thẳng.

Phương tiện truyền thông Nhật Bản hôm nay đưa tin, Đại sứ quán Trung Quốc tại Tokyo đã yêu cầu các công dân Trung Quốc sống tại Nhật Bản đến đăng ký thông tin để nhận được sự hỗ trợ cần thiết cũng như đảm bảo về an toàn và quyền lợi trong trường hợp xảy ra tình huống khẩn cấp giữa hai nước.

japan_copy.jpg
Máy bay của lực lượng phòng vệ bờ biển Nhật Bản bay trên khu vực ADIZ mà Trung Quốc mới công bố (Ảnh Reuters)

Mặc dù Bộ Ngoại giao Trung Quốc không nói rõ về tình huống khẩn cấp này là gì, nhưng báo giới nhìn chung nhận định, động thái này bắt nguồn từ việc Trung Quốc cho công bố khu vực ADIZ khiến quan hệ Trung Quốc và Nhật Bản căng thẳng.

Các hãng hàng không châu Á cho biết, họ sẽ thông báo cho Trung Quốc kế hoạch các chuyến bay của họ trước khi bay vào không phận trên vùng biển tranh chấp với Nhật Bản nằm trong phạm vi khu vực phòng không do Trung Quốc công bố.

Tuy nhiên, phía Nhật Bản cho biết, các động thái của các hãng hàng không là không cần thiết.

Trả lời báo giới hôm 26/11, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itsunori Onodera nói rằng, Nhật Bản sẽ làm tất cả mọi thứ có thể để tiếp tục bảo vệ lợi ích của Nhật Bản.

“Bộ Quốc phòng và các lực lượng phòng vệ sẽ xem xét tình hình và làm bất cứ điều gì để bảo vệ lãnh thổ và không phận. Chúng tôi sẽ tiếp tục làm những gì được cho là cần thiết, trong đó có việc tuần tra, theo dõi phù hợp với luật quốc tế và khả năng phòng vệ để bảo vệ  khu vực thuộc lãnh thổ của Nhật Bản”, Bộ trưởng Onodera khẳng định.

Tokyo cũng cho rằng, các hãng hàng không Nhật Bản sẽ không cần phải thay đổi các hoạt động hiện tại của họ. Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga nói:" Tính đến ngày 25/11, Bộ Giao thông vận tải và đất đai đã thông báo với công ty hàng không của chúng tôi rằng, lệnh này không có tác dụng thực tế và các hoạt động của các hãng hàng không sẽ tiến hành như trước đây".

Trước đó, vào ngày 25/11, Trung Quốc và Nhật Bản cũng đã triệu đại sứ của nhau.

Bộ Ngoại giao Nhật triệu đại sứ Trung Quốc tại Tokyo để nghe phản đối về quyết định đơn phương của Bắc Kinh ban hành khu vực phòng không trên biển Hoa Đông bao gồm các quần đảo tranh chấp.

Cùng lúc đó, tại Bắc Kinh, đại sứ Nhật Bản cũng bị Bộ Ngoại giao Trung Quốc triệu mời để nghe phản đối “phản ứng cường điệu phi lý” của chính phủ Nhật Bản.

Trước việc Bắc Kinh đe dọa sẽ áp dụng “những biện pháp quân sự khẩn cấp” đối với những máy bay đi vào khu vực phòng không nếu không khai báo, cả Nhà Trắng, Bộ Ngoại giao Mỹ và Lầu Năm Góc đồng thời đưa ra các tuyên bố bày tỏ “lo ngại đặc biệt” trước đe dọa mới của Trung Quốc về lãnh hải.

Nhà Trắng gọi đe dọa này là một “diễn tiến leo thang”, trong khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel gọi đó là “một nỗ lực gây bất ổn nhằm xáo trộn hiện trạng” trên Biển Hoa Đông. Ngoại trưởng Mỹ John Kerry, nói rằng hành động đơn phương của Bắc Kinh chỉ tạo thêm căng thẳng.

Hàn Quốc cũng đã tỏ thái độ bất bình vì “không phận” của Trung Quốc lấn sâu vào không phận của Hàn Quốc kể cả vùng trời bên trên bãi đá ngầm Ieodo.

Người phát ngôn  Bộ Quốc phòng Hàn Quốc nhận định là Trung Quốc đã có thái độ “đáng tiếc” và khẳng định “Hàn Quốc sẽ bảo vệ chủ quyền truyền thống trên đảo Ieodo.

Một cuộc thảo luận giữa cấp Thứ trưởng quốc phòng hai nước được dự kiến diễn ra vào ngày 28/11 tới tại Seoul nhằm thảo luận về việc này./.