Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel đang có chuyến thăm Afghanistan, trong bối cảnh bất đồng giữa hai nước liên quan tới việc ký kết Hiệp định an ninh song phương.

Tuy nhiên, điểm đáng chú ý là trong lịch trình của ông Hagel, không có kế hoạch gặp Tổng thống Afghanistan Hamid Karzai, nút thắt chính trong việc ký kết văn kiện này.

hagel_copy.jpg
Ông Hagel trao đổi với một nữ quân nhân Mỹ tại Pakistan (Ảnh AP)

Phát biểu sau cuộc gặp với Bộ trưởng Quốc phòng Afghanistan Bismillah Khan Mohammadi, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel tuyên bố, người đồng cấp Afghanistan đã đảm bảo rằng, Hiệp định an ninh song phương sẽ được ký vào thời điểm thích hợp.

Dù không nêu rõ "thời điểm thích hợp" là khi nào, song rõ ràng tuyên bố này được xem là lời cảnh báo tới Tổng thống Afghanistan Hamid Karzai. Bởi trước đó, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry từng tuyên bố, Hiệp định an ninh song phương không nhất thiết phải do Tổng thống Karzai ký, mà có thể do Bộ trưởng Quốc phòng hoặc một quan chức cấp cao của Afghanistan chịu trách nhiệm về vấn đề này ký.

Hiệp định an ninh song phương xác định những điều kiện để quân đội  Mỹ tiếp tục duy trì tại Afghanistan sau năm 2014, thời điểm quân đội nước ngoài rút hoàn toàn khỏi quốc gia Nam Á này. Các lực lượng an ninh Afghanistan sau đó sẽ gánh vác trọng trách này, tiếp tục cuộc đấu tranh kéo dài hàng thập niên với phiến quân Taliban.

Tuy nhiên, Tổng thống Karzai đã từ chối ký thỏa thuận này và muốn dành  nó cho người kế nhiệm ông sau cuộc bầu cử Tổng thống vào tháng 4 năm tới.

“Hòa bình là điều kiện mà Afghanistan muốn đặt ra với Mỹ. Mỹ cần phải  mang lại hòa bình cho chúng tôi và khi đó chúng tôi mới chấp nhận thỏa thuận và ký văn kiện”, ông Karzai cho biết.

Tuy nhiên, chính phủ Mỹ đã bác bỏ khung thời gian này và đe dọa rằng họ sẽ rút toàn bộ quân đội của mình ra khỏi Afghanistan vào cuối năm 2014, để cho quân đội Afghanistan tự chiến đấu chống lại lực lượng Taliban.

Những ngày qua, các quan chức Mỹ cũng không ngừng đưa ra cảnh báo về những nguy cơ về an ninh mà Afghanistan phải đối mặt nếu không ký thỏa thuận.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Jen Psaki nói: “Chúng tôi tin rằng việc ký kết hiệp định càng sớm càng tốt là điều rất quan trọng để giúp người Afghanistan chắc chắn vào tương lai của họ trước cuộc bầu cử sắp tới. Đồng thời nó cũng giúp Mỹ và các đối tác khác lên kế hoạch cho sự hiện diện của quân đội Mỹ tại Afghanistan sau năm 2014”.

Cũng trong ngày 7/12, đặc phái viên của Mỹ về vấn đề Afghanistan và Pakistan James Dobbins đã cảnh báo chính phủ Afghanistan rằng việc không ký kết Hiệp định an ninh song phương có thể làm tăng nguy cơ nội chiến tại quốc gia Nam Á này.

Theo một số nguồn tin, ông Dobbins đã gặp Tổng thống Karzai hồi giữa tuần trước nhưng cũng giống như chuyến đi của cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Susan Rice, hai bên cũng không đạt kết quả nào.

Một số nhà phân tích cho rằng, ông Karzai trì hoãn việc ký thỏa thuận vì không muốn ghi dấu trong lịch sử đất nước là người đã bật đèn xanh cho quân đội nước ngoài có mặt lâu dài tại Afghanistan. Trong khi đó, một số khác cho rằng, ông Karzai cuối cùng sẽ ký thỏa thuận, song dường như ông đang nỗ lực đạt được những cam kết cho phép ông tiếp tục duy trì ảnh hưởng trong cuộc bầu cử năm tới.

Song dù lý do nào đi chăng nữa, thì rõ ràng chính phủ Afghanistan, mà cụ thể là Tổng thống Karzai đang đứng trước những lựa chọn khó khăn khi mà mọi quyết định đều có thể ảnh hưởng tới sự ổn định của đất nước, cũng như khu vực trong tương lai. Afghanistan có vị trí chiến lược khi nằm ở nơi giao nhau giữa Iran, Pakistan, Ấn Độ và Trung Quốc./.