Ngày 8/3, Mỹ đã lên tiếng cảnh báo Nga rằng, bất cứ bước đi nào của Moscow nhằm sáp nhập Cộng hòa tự trị Crimea thuộc Ukraine sẽ khép lại cánh cửa ngoại giao giữa Mỹ và Nga.

ukraine1.jpg
Những thành viên của quân đội Crimea ủng hộ Nga diễu hành trên đường phố Simferopol (Ảnh: AFP)

Thông điệp trên đã được Ngoại trưởng Mỹ John Kerry gửi tới người đồng cấp Nga Sergei Lavrov ngày hôm qua (8/3). Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Barack Obama tiếp tục có các cuộc thảo luận về tình hình Ukrane với các nhà lãnh đạo một số quốc gia trên thế giới.

Cảnh báo của phía Mỹ được đưa ra sau khi có thông tin, phái đoàn quan sát viên của Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) bị ngăn không cho vào bán đảo Crimea.

Theo Reuters, đã có một loạt đạn được bắn chỉ thiên để cảnh cáo phái đoàn của OSCE, buộc phái đoàn này quay đầu khi họ đang định tiến vào bán đảo Crimea ngày 8/3.

Một quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, ông Kerry và ông Lavrov đã có cuộc điện đàm hôm 8/3, vị quan chức này nói: “Ông ấy (Kerry) tuyên bố rõ rằng, tiếp tục leo thang quân sự và khiêu khích ở Crimea hay những nơi khác của Ukraine, cùng với những bước đi nhằm sáp nhập Crimea vào Nga sẽ đóng sập mọi cánh cửa ngoại giao. Ông Kerry cũng kêu gọi kiềm chế tối đa”.

Cũng trong ngày 8/3, Bộ Ngoại giao Nga ra thông báo cho hay, trong cuộc điện đàm, hai ông Lavrov và Kerry đã nhất trí “tiếp tục tích cực liên lạc để giải quyết cuộc khủng hoảng ở Ukraine”.

Trước đó, trong một cuộc trả lời phỏng vấn, ông Lavrov cho rằng, cuộc khủng hoảng ở Ukraine được một số người tạo ra “vì những lý do hoàn toàn về địa chính trị”.

Phát biểu với các phóng viên tại Moscow, ông Lavrov nói: “Chúng tôi sẵn sàng đối thoại với phương Tây dựa trên nguyên tắc các bên liên quan cần phải trung thực và hợp tác, không có những nỗ lực để cáo buộc chúng tôi chính là nguyên nhân gây ra xung đột. Chúng tôi không tạo ra cuộc khủng hoảng hiện nay ở Ukraine”.

Trong khi đó, Nhà Trắng cho biết, những nỗ lực để giải quyết cuộc khủng hoảng hiện nay ở Ukraine vẫn đang tiếp tục. Ngày 8/3, Tổng thống Obama đã có các cuộc nói chuyện cá nhân với Thủ tướng Anh David Cameron, Thủ tướng Italy Matteo Renzi và Tổng thống Pháp Francois Hollande.

Tuyên bố của Nhà Trắng có đoạn: “Các nhà lãnh đạo tái khẳng định mối quan tâm của họ đối với những hoạt động vi phạm luật pháp quốc tế của Nga ở Ukraine đồng thời khẳng định ủng hộ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine”.

Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Trung Quốc thông báo, Bộ trưởng Ngoại giao nước này Vương Nghị đã điện đàm với Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius để trao đổi quan điểm về tình hình Ukraine.
Ông Vương Nghị một lần nữa nhắc lại quan điểm của Trung Quốc yêu cầu các bên bình tĩnh giải quyết, duy trì thương lượng và cố gắng đưa vấn đề Ukraine vào quỹ đạo của giải pháp chính trị./.